Vì sao không điều trị bệnh COVID-19 tại nhà?

Những quốc gia có số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 quá lớn và dịch lưuhành rộng rãi tại cộng đồng thì họ có thể áp dụng chiến lược điều trịbệnh nhân nhẹ tại nhà. Còn ở Việt Nam, chúng ta đang kiểm soát được dịchtại cộng đồng, nên bệnh nhân phải được điều trị trong bệnh viện.

Theo TS. Nguyễn Trung Cấp, chúng ta đang kiểm soát được dịch tại cộng đồng, nên bệnh nhân phải được điều trị trong bệnh viện. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Theo TS. Nguyễn Trung Cấp, chúng ta đang kiểm soát được dịch tại cộng đồng, nên bệnh nhân phải được điều trị trong bệnh viện. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Chia sẻ với báo chí, TS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, ông cùng một số đồng nghiệp đang hỗ trợ kỹ thuật để Bắc Ninh xây dựng chiến lược bảo đảm cho 3.000 bệnh nhân COVID-19 cùng nhập viện. Các cơ sở dự kiến sẽ triển khai chiến lược này cũng đã bảo đảm yếu tố hạ tầng, cũng như trang thiết bị, kỹ thuật và con người.

Ở Bắc Giang, các đơn vị cũng đã nỗ lực triển khai BV dã chiến, cũng như cơ sở hồi sức cấp cứu.

Do đó, TS. Nguyễn Trung Cấp nhận định, số ca bệnh hiện tại ở Bắc Ninh, Bắc Giang chưa vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị.

Vậy, với số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, các cơ sở điều trị hiện nay đáp ứng như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Trung Cấp: Trong đợt dịch lần này, do số lượng bệnh nhân nhiều, nên số ca bệnh nặng cũng nhiều hơn các đợt dịch trước. Bên cạnh đó, đặc điểm của chủng virus lần này cũng gây tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng viêm nhiều hơn nên đòi hỏi phải triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật lọc máu, thở máy… nhiều hơn.

Riêng Bắc Ninh, chúng tôi luôn chú trọng nâng cao năng lực điều trị của các tuyến y tế ban đầu. Khi các tuyến ban đầu và BV dã chiến điều trị tốt thì tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng thấp đi và giảm gánh nặng cho Khoa Hồi sức cấp cứu của BV tỉnh, cũng như giảm bệnh nhân nặng chuyển về tuyến Trung ương.

Một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng chữa bệnh COVID-19 tại nhà, vậy theo ông, nước ta có nên áp dụng phương án điều trị này không?

TS. Nguyễn Trung Cấp: Đối với những quốc gia mà số lượng bệnh nhân quá lớn, cũng như dịch lưu hành rộng rãi tại cộng đồng, thì họ sẽ áp dụng chiến lược điều trị bệnh nhân nhẹ tại nhà, khi nặng mới chuyển đến BV.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch, trong đó kiểm soát được dịch ở cộng đồng, vì vậy, số bệnh nhân vẫn chưa vượt quá khả năng điều trị, nên chúng ta vẫn ưu tiên chiến lược điều trị tất cả bệnh nhân tại BV.

Với bệnh nhân mắc COVID-19, trong tuần đầu diễn biến của bệnh tương đối nhẹ. Tuy nhiên, sang tuần thứ 2, một số bệnh nhân có diễn biến nặng, nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ bệnh nhân rất nặng và nguy kịch sẽ giảm, từ đó tỷ lệ tử vong cũng giảm.

Nếu chúng ta áp dụng chiến lược giống nước ngoài là bệnh nhân nhẹ điều trị ở nhà, thì sẽ gặp 2 vấn đề. Thứ nhất, nguy cơ lây nhiễm cho người thân trong gia đình là rất cao, nhất là mô hình gia đình của người Việt Nam hiện nay ở chung 2-3 thế hệ, có người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh nền, nếu họ bị lây bệnh thì rất nguy hiểm.

Thứ hai, khi điều trị tại nhà thì rất khó phát hiện những thay đổi bệnh lý từ sớm để kiểm soát sớm diễn biến bệnh. Nếu để bệnh rất nặng rồi mới vào viện thì hiệu quả điều trị sẽ thấp hơn.

Có ý kiến cho rằng, chủng virus gây dịch lần này là sự “lai tạo” giữa hai chủng của Ấn Độ và Anh. Vậy chủng này có nguy hiểm và ảnh hưởng gì đến việc điều trị bệnh nhân không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trung Cấp: Về mặt di truyền học, virus luôn có sự biến đổi. Khi một người nhiễm 2 chủng khác nhau thì tổ hợp 2 yếu tố di truyền sẽ tạo thành chủng mới. Tuy nhiên, về lâm sàng, chúng tôi chưa thấy sự khác biệt nhiều giữa chủng biến đổi mới với chủng nguyên gốc của Ấn Độ, nên vẫn áp dụng chiến lược điều trị như cũ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/vi-sao-khong-dieu-tri-benh-covid19-tai-nha/434090.vgp