Vì sao không 'kiện' được gà ngoại rẻ bèo có dấu hiệu phá giá?

Có nhiều dấu hiệu về nhập khẩu bán phá giá gà nhưng nếu doanh nghiệp không nộp hồ sơ, thì cơ quan chức năng không có dữ liệu xem xét thiệt hại của sản xuất trong nước.

Tại Hội nghị tập huấn về công tác phòng vệ thương mại (PVTM) trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) vừa diễn ra, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, đối với chăn nuôi, giá thịt heo hiện nay đang cao là do dịch tả heo Châu Phi khiến nguồn cung giảm đến 70%. Khi cung giảm cầu tăng dẫn đến giá tăng, đây là quy luật của thị trường.

Nhiều ý kiến đề nghị cho nhập khẩu heo, trong ngắn hạn là được lợi nhưng về dài hạn thì thiệt hại gì. Đây là bài toán khó, khi đưa ra chính sách xuất nhập khẩu. "Đừng để khi hết dịch tả heo, người chăn nuôi tái đàn, giá heo lại rớt xuống thê thảm, cả nước lại phải đi giải cứu”.

Bà Giang dẫn chứng, năm năm gần đây các hộ nông dân ở Đông Nam Bộ rất điêu đứng vì gà nhập khẩu của Braxin, Mỹ, Hàn Quốc về Việt Nam tính ra chỉ 20.000 đồng/kg.

Các DN chăn nuôi với quy mô lớn cho biết nếu giảm tối đa chi phí, giá gà xuất chuồng 35.000 đồng/kg, không có cách nào đưa xuống 20.000 đồng/kg như gà các nước xuất khẩu sang Việt Nam.

Lịch sử cũng cho thấy người dân không thích ăn gà đông lạnh. Khi bị dịch cúm gia cầm, gà đông lạnh được nhập về để giải quyết nhu cầu trong nước. Sau khi hết dịch cúm, hoạt động chăn nuôi trở lại bình thường. Trong khi các đầu mối nhập khẩu thấy giá gà từ nước ngoài về rẻ hơn Việt Nam, từ đó gà đông lạnh dần có mặt ở thị trường.

Người tiêu dùng tại quầy thịt heo nhập khẩu siêu thị Big C Miền Đông chụp tháng 6-2020. Ảnh: TÚ UYÊN

Người tiêu dùng tại quầy thịt heo nhập khẩu siêu thị Big C Miền Đông chụp tháng 6-2020. Ảnh: TÚ UYÊN

Cũng theo bà Giang, áp dụng các hàng rào kỹ thuật, cho phép sử dụng những ngưỡng về định lượng; quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật để quản lí nhập khẩu qua đó có tác dụng hạn chế nhập khẩu. Ví dụ Nhật Bản yêu cầu hàng thủy sản xuất sang Nhật dư lượng kháng sinh bằng 0.

Tuy nhiên, khi DN đề xuất áp dụng rào cản kỹ thuật với hàng nhập khẩu nào hàng trong nước phải đạt được tiêu chuẩn đó trước thì mới áp dụng.

Ví dụ, Việt Nam quy định dư lương kháng sinh trong mặt hàng A là 0 nhưng hàng sản xuất trong nước dư lượng kháng sinh được phép 1%, ngay lập tức bị các nước trả đũa ngay bằng các biện pháp khác.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ tại hội nghị ngày 21-8

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ tại hội nghị ngày 21-8

Cách đây vài năm, thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, Braxin, Hàn Quốc vào Việt Nam với giá rẻ khiến bà con chăn nuôi trong nước thiệt hại. Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ đã có ý định xúc tiến khởi kiện chống bán phá giá nhưng vẫn chưa đến đâu.

Ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Phòng điều tra bán phá giá và trợ cấp Cục PVTM cho biết, là một trong những người theo vụ việc từ năm 2014, Cục PVTM nhiều lần làm việc với hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, các DN sản xuất chế biến thịt gà để hỗ trợ.

“Đúng thật là thịt gà từ Braxin, Hàn Quốc, đặc biệt là đùi tỏi Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu tăng mạnh. Thông qua số liệu nhập khẩu, thông tin từ mạng lưới Thương vụ Việt Nam tại các nước này, có thể khẳng định dấu hiệu bán phá giá của các mặt hàng này là rõ ràng”, ông Ninh nói.

Tuy nhiên, biện pháp PVTM sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM cần có hồ sơ của đại diện ngành sản xuất trong nước. Và phải đáp ứng các điều kiện để đứng đơn nộp hồ sơ.

Thứ nhất là sản lượng của DN sản xuất trong nước chiếm 25% tổng sản lượng. Thứ hai bên ủng hộ vụ việc chiếm số lượng lớn hơn số lượng bên phản đối vụ việc.

Theo ông Ninh, vụ việc này có đặc thù là sản phẩm thịt gà bị cạnh tranh với hàng nhập khẩu lại đến từ những DN lớn như CP, Emivest, Japfa, CJ (chiếm khoảng 70% thị phần).

Cục PVTM đã từng làm việc với các DN này để thu thập thông tin và hướng dẫn DN nộp hồ sơ theo đúng luật nhưng cho đến nay các DN vẫn chưa thống nhất được với nhau về hồ sơ gửi Cục.

“Đây cũng là điều đáng tiếc vì trường hợp này có nhiều dấu hiệu về nhập khẩu bán phá giá nhưng nếu DN không nộp hồ sơ, Bộ không có dữ liệu xem xét thiệt hại của sản xuất trong nước. Vấn đề về người đứng đơn nộp hồ sơ là cái vướng lớn nhất trong vụ việc này. Mấu chốt đến thời điểm hiện tại chưa có hồ sơ chính thức của ngành sản xuất trong nước nộp lên”, ông Ninh thông tin.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/vi-sao-khong-kien-duoc-ga-ngoai-re-beo-co-dau-hieu-pha-gia-933911.html