Vì sao không mua ngay 'điện sạch' mà lại nhập khẩu từ Trung Quốc?

Trong khi các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vẫn đang trong quá trình đàm phán giá để chính thức vận hành thương mại thì từ 0 giờ ngày 24/5, Quảng Ninh đã phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Điều dư luận đang quan tâm là tại sao, EVN không ưu tiên mua 'điện sạch' trước mà Việt Nam lại phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc? Nguyên nhân do đường truyền tải quá tải hay do cấp phép đầu tư ồ ạt?

Về cung ứng điện, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các nguồn điện lớn gồm thủy điện, nhiệt điện đều giảm nên công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia/miền Bắc chỉ khoảng 42.000/19.000MW vào cao điểm chiều, 39.200/18.000MW vào cao điểm tối.

Từ 0 giờ ngày 24/5, Quảng Ninh đã phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc.

Từ 0 giờ ngày 24/5, Quảng Ninh đã phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc.

Vì vậy, EVN phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+FO. "Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng", ông Nhân cho biết có thời điểm công suất khả dụng còn thấp hơn cả nhu cầu phụ tải.

Theo đó, một trong những giải pháp mà EVN đã thực hiện là tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Trong đó, từ 0 giờ ngày 24/5, đã đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam. Trong các tháng 5, 6 và 7/2023, phần điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái, TP. Móng Cái và 110kV Quảng Hà, huyện Hải Hà, thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Trong bối cảnh đó, theo thông tin cập nhật đến ngày 24/5/2023, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện.

Trong số 37 dự án đã gửi hồ sơ, đến nay EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án. Hai bên đã họp và chốt giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại quyết định số 21 của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn, quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, để được đẩy điện lên lưới và thống nhất mức giá tạm, phía chủ đầu tư cũng phải hoàn tất nhiều thủ tục trong khi mỗi địa phương hiện có các hỗ trợ doanh nghiệp khác nhau cũng như phải làm lại một số thử nghiệm kỹ thuật mất khá nhiều thời gian.

Đây cũng là một lý do trả lời cho câu hỏi vì sao không mua ngay "điện sạch" mà lại nhập khẩu điện của Trung Quốc. Hơn nữa, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận cho biết, vấn đề còn phụ thuộc vào việc dự án điện gió đó nằm ở đâu, nếu dự án nằm ở miền Trung hay miền Nam thì cũng rất khó chuyển ra Bắc.

“Ngay cả khi dự án nằm ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng không thể giải quyết được vấn đề thiếu điện ngay bởi bản chất là đường truyền tải hiện bị quá tải”, ông Thịnh cho biết đã có thời điểm một số dự án ở những đường dây quá tải buộc phải cắt giảm 100% công suất vào khung giờ cao điểm.

Mặt khác, đặc thù của điện mặt trời là chỉ có công suất mạnh vào ban ngày, trong khi điện gió thất thường phụ thuộc vào sức gió. “Dẫn tới tình trạng, lúc cần điện thì chẳng có, lúc có lại không cần hoặc đường dây quá tải”, ông Thịnh cho biết.

Thực tế, câu chuyện này cũng các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận Tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu chuyện xã hội, người dân đang bức xúc về câu chuyện điện và tại sao phải đi nhập khẩu điện trong khi báo chí thông tin 4.600mw điện gió, mặt trời không được hòa mạng, không được bán lên lưới.

Đại biểu Minh đặt câu hỏi: "Vì sao thế, cũng là tài sản quốc gia chứ, sao lại lãng phí như thế? Người ta nói là do sai về thủ tục, quy chế… Thủ tục là do ta đặt ra, tại sao không cải tiến thủ tục này để hòa lưới 4.600 MW, mà lại phải đi mua điện Trung Quốc, Lào. Trách nhiệm ở đây là cơ quan nào?"

Liên quan vấn đề lãng phí điện mặt trời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương xem có vướng gì không, vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải tỏa được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Bộ trưởng Bộ Công Thương bảo rằng “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.

“Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài? Bộ trưởng Công Thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân và chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”, ông Phớc thuật lại.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/vi-sao-khong-mua-ngay-dien-sach-ma-lai-nhap-khau-tu-trung-quoc-1092815.html