Vì sao không nằm ở tâm bão nhưng Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... lại thiệt hại nặng nề?

Hoàn lưu sau bão là hiện tượng mưa lớn thành từng trận. Những cơn mưa này thường kéo dài và xuất hiện khi cơn bão đã qua, nhưng những dải mây xoắn vẫn duy trì nên tiếp tục gây mưa là nguyên nhân khiến nhiều tỉnh thiệt hại nặng sau bão số 3.

Sự nguy hiểm của hoàn lưu sau bão

Các tỉnh miền Bắc đang oằn mình hứng chịu thiệt hại do hoàn lưu sau bão số 3 gây ra. Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, hoàn lưu sau bão cực kỳ nguy hiểm, có thể gây thiệt hại về người và của hết sức tàn khốc. Nước ta, mùa mưa bão thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11 hoặc nửa đầu tháng 12. Bão thường tập trung nhiều nhất trong các tháng 8,9,10.

Các cơn bão cũng có nhiều kích thước khác nhau, một vài cơn bão có hoàn lưu nhỏ chỉ gây mưa và gió mạnh trên phạm vi hẹp, trong khi có những cơn bão hoàn lưu rộng trải dài hàng ngàn km với mưa to và gió mạnh trên diện rộng.

Một cơn bão yếu, bão trung bình thì không có mắt, mắt không rõ, nhưng bão mạnh từ cấp 11, 12 trở lên thì sẽ có mắt bão. Bão càng mạnh thì mắt bão càng sắc nét. Và đường kính của mắt bão cũng tùy theo từng cơn bão. Trong đó, cơn bão số 3 (tức bão Yagi) có đường kính khoảng 100 km.

Hoàn lưu sau bão khiến nhiều khu vực miền Bắc ngập lụt nghiêm trọng.

Hoàn lưu sau bão khiến nhiều khu vực miền Bắc ngập lụt nghiêm trọng.

Hoàn lưu sau bão cực kỳ nguy hiểm, có thể gây thiệt hại về người và của hết sức tàn khốc. Hoàn lưu sau bão là hiện tượng mưa lớn thành từng trận. Những cơn mưa này thường kéo dài và xuất hiện khi cơn bão đã qua, nhưng những dải mây xoắn vẫn duy trì, do địa hình, hoặc do những tác động khác trong khí quyển, nên tiếp tục gây mưa. Lúc này gió giảm nhưng mưa có thể không giảm, thậm chí có lúc tăng do lượng ẩm còn quá lớn, ma sát với địa hình.

"Một cơn bão đã hình thành thì hoàn lưu xung quanh có khi rất rộng, có khi hẹp hơn, tùy theo cơn bão và cường độ của bão. Hoàn lưu bão là tính từ tâm ra đến rìa của hoàn lưu, những cơn bão nhỏ thì khoảng 300 km, những cơn bão lớn có khi lên đến 500 km hoặc hơn. Ví dụ cơn bão số 3 (Yagi) là đường kính lên trên 1000km, tức từ tâm ra là hơn 500 km", Th.S Xuân Lan cho biết.

Điều đó lý giải vì sao dù không nằm trong vùng tâm bão Yagi nhưng các tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... lại chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão. Lũ quét, sạt lở kinh hoàng đã khiến hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản vô cùng lớn. Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… nằm ở vùng phía bắc của tâm bão đi qua, vốn là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Trong một cấu trúc của một cơn bão thì nửa phía bắc của cơn bão là nơi nguy hiểm nhất. Tàu thuyền rơi vào phía bắc thì gọi là "tử địa", rất khó thoát ra. Cho nên hoàn lưu bão sau khi bão đã đi qua rồi, thậm chí bão tan rồi, trở thành một vùng áp thấp rồi thì hoàn lưu sau bão vẫn tiếp tục gây nguy hiểm".

Chuyên gia nhìn nhận, bão đã qua nhưng thiên tai vẫn hiển diện. Những con số đau lòng về thiệt hại nhân mạng, thiệt hại tài sản vẫn tăng lên hằng ngày. Người dân các tỉnh miền Bắc đã, đang và vẫn sẽ phải đối diện với nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất trong những ngày tới cùng những thách thức bệnh dịch, tái thiết sau này.

Biển Đông sắp đón áp thấp nhiệt đới

Sáng 16/9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14 - 17 độ vĩ bắc nối với một áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi phía đông của Philippines; kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh đang gây mưa rào và dông ở khu vực giữa và nam Biển Đông bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan. Mưa dông, lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 9. Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía tây của Nam bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết, hiện tại, dải hội tụ nhiệt đới này đang có xu hướng mạnh lên và theo mô hình dự báo của Nhật Bản sẽ xuất hiện 2 áp thấp nhiệt đới; một trên vùng biển phía đông của Philippines và một ở ngoài khơi phía đông Philippines. Chúng sẽ tạo thành hiện tượng bão đôi khiến thời tiết trong những ngày tới trên vùng biển phía tây bắc Thái Bình Dương rất phức tạp.

Đối với áp thấp nhiệt đới 1, khả năng sẽ vào Biển Đông khoảng ngày 18 - 19/9 và có thể phát triển thành bão số 4 theo mô hình dự báo của Mỹ. Khoảng ngày 22/9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thành khu vực miền Trung. Còn áp thấp nhiệt đới -2 sẽ áp sát vùng biển Philippines và đi dọc đảo Luzon.

"Thời tiết đang diễn biến phức tạp và chúng ta cần tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến trên và đặc biệt đề cao tinh thần cảnh giác, nhất là với ngư dân, phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển. Hiện tại, miền Trung đang bước vào mùa mưa, với khả năng thời tiết đang chuyển sang trạng thái La Nina thì tình hình mưa bão sắp tới sẽ còn nhiều bất ngờ thậm chí nghiêm trọng tương đương như mùa mưa bão năm 1999 - 2000. Người dân nên chủ động và đề cao tinh thần chuẩn bị ứng phó với các tình huống nguy hiểm, bất ngờ", bà Lan khuyến cáo.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, nếu hình thành bão thì cơn bão này cũng không thể mạnh như Yagi được nên mọi người không nên quá lo lắng. Dù vậy, bài học từ những thiệt hại do Yagi vừa qua cũng là thông điệp quan trọng để những vùng có nguy cơ bị bão tới đây làm tốt hơn công tác chuẩn bị, không chủ quan.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-khong-nam-o-tam-bao-nhung-lao-cai-yen-bai-cao-bang-lai-thiet-hai-nang-ne-169240916094343364.htm