Vì sao không nên xông cả người?
Người bệnh nên xông phòng bằng dược liệu hoặc tinh dầu, tuyệt đối không xông cả người vì sẽ mất nước và điện giải, theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Người bệnh nên xông phòng bằng dược liệu hoặc tinh dầu, tuyệt đối không xông cả người vì sẽ mất nước và điện giải, theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và thường làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội, đôi khi không đạt được kết quả. Theo bác sĩ Thiệu, việc xông mũi, họng quá nhiều lần trong một ngày, dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài.
"Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng nhưng không phải là phương pháp điều trị Covid-19. Người bệnh nên xông phòng kín rồi hít thở thay vì xông trực tiếp, đặc biệt là xông cả người", bác sĩ Thiệu cho biết.
Dưới đây là hai cách xông phòng an toàn:
Phương pháp một: Xông bằng dược liệu
Nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Bệnh nhân có thể dùng một hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200gram - 400gram, tùy theo diện tích phòng.
Đối với phương pháp này, dược liệu được cho vào nồi, đổ ngập nước ngập, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng. Sau đó, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Người bệnh nên làm 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều.
Các nguyên liệu cần có trong nồi xông cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Nguyên Thu
Phương pháp 2: Xông bằng tinh dầu
Nguyên liệu gồm tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành (mua tại các nhà thuốc có uy tín).
Tùy theo diện tích phòng (10 - 40m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2-4ml) hòa tan trong cồn 75%. Sau đó lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, mỗi ngày xịt 2 - 3 lần.
Bộ Y tế lưu ý, khi bệnh nhân áp dụng cả hai phương pháp này đều không được xông trực tiếp vào người. Đặc biệt, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
Lưu ý, bệnh nhân chỉ nên xông cả phòng hoặc chỉ xông mặt.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/suc-khoe/tu-van/vi-sao-khong-nen-xong-ca-nguoi-59601.html