Vì sao kiểm soát tốt đường huyết đặc biệt quan trọng trong đại dịch COVID-19?
Đái tháo đường là bệnh không thể chữa khỏi nhưng nếu được kiểm soát tốt đường huyết thì người bệnh đái tháo đường có thể có cuộc sống và tuổi thọ gần như người bình thường. Kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu không chỉ ngăn ngừa các biến chứng tim mạch, thận, mắt… mà còn giúp người bệnh sớm hồi phục nếu bị đau ốm.
Chính vì vậy trong đại dịch COVID-19, họ phải đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát bệnh. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những phân tích và hướng dẫn cho người bệnh đái tháo đường cần làm gì trong đại dịch COVID-19.
Tăng đường huyết là thủ phạm khiến bệnh nhân đái tháo đường mắc COVID-19 dễ bị biến chứng nặng và tử vong
Tăng đường huyết có liên quan đến cả 3 cơ chế chính khiến cho các bệnh nhân đái tháo đường nhiễm COVID-19 dễ bị biến chứng nặng và tử vong:
- Tăng đường huyết làm suy yếu hệ miễn dịch bảo vệ bệnh nhân đái tháo đường, nên nếu bị nhiễm virus Covid-19 thì cơ thể giảm khả năng ngăn chặn virus lan tràn và tấn công các cơ quan. Các nghiên cứu cho thấy chức năng hệ miễn dịch và chức năng bạch cầu được cải thiện rõ sau khi đường huyết được kiểm soát tốt.
- Có thể đường huyết cao là môi trường tốt cho virus phát triển
- Tăng đường huyết kéo dài gây các biến chứng tim mạch, tăng huyết áp, suy thận… Những bệnh nhân nhiễm COVID-19 có các biến chứng này sẽ dễ bị suy hô hấp, suy tim…, nên nguy cơ tử vong sẽ cao hơn
Chính vì vậy, kiểm soát đường huyết tốt và ổn định có vai trò cực kỳ quan trọng, để nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19 thì người bệnh đái tháo đường sẽ không bị bệnh nặng, và ít bị biến chứng.
Kiểm soát tốt đường huyết bằng cách nào trong hoàn cảnh “giãn cách xã hội”?
Trong đại dịch COVID-19, tất cả mọi người, trong đó có người bệnh đái tháo đường được khuyến cáo thực hiện “giãn cách xã hội” như không ra khỏi nhà, làm việc ở nhà. Tuy cuộc sống bị thay đổi nhiều nhưng người bệnh cần cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng, vận động, và điều trị. Cụ thể là:
Duy trì chế độ dinh dưỡng: Các bệnh nhân nên ăn chế độ ăn đa dạng và cân bằng như các khuyến cáo cho người đái tháo đường nói chung để giữ đường huyết ổn định, và tăng cường hệ miễn dịch.
Việc duy trì chế độ ăn có thể gặp khó khăn do không có đủ nguồn cung cấp rau xanh, hoặc ăn nhiều đồ rán, bánh ngọt do gia đình nghỉ ở nhà nên thường nấu nhiều món chiên rán, làm bánh ngọt…
Chế độ vận động: Người bệnh có thể thực hiện các bài tập trong nhà dành cho người mắc đái tháo đường như:
- Đi bộ nhanh trên thảm, đạp xe trong nhà...
- Thực hiện các bài tập nâng toàn thân để duy trì sức mạnh cơ như chống đẩy, đứng lên – ngồi xuống, các bài tập tăng sức cơ bụng hoặc cơ thắt lưng.
- Tập nhảy dây, lên xuống cầu thang…
- Làm việc nhà, làm vườn… cũng rất hữu ích.
- Đồng thời, hạn chế xem TV < 1 giờ/ngày
Nên tập tăng dần, và các bài tập có thể chia ra nhiều đợt trong ngày, mỗi đợt kéo dài 15 – 20 phút. Đồng thời phải theo dõi sức khỏe cả trước, trong và sau khi tập.
Sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường như thế nào?
- Các bệnh nhân cần thử đường huyết mao mạch nhiều lần hơn bình thường trong thời gian đang có dịch. Ở đa số bệnh nhân, mục tiêu đường huyết vào trước bữa ăn là từ 4,4 – 7,2 mmol/L, và sau ăn là dưới 10,0 mmol/L. Nếu đường huyết đạt mục tiêu và ổn định, nên duy trì phác đồ điều trị
- Nếu đường huyết chưa đạt mục tiêu, cần xét nghiệm thêm HbA1C, và đi khám hoặc xin ý kiến bác sỹ để điều chỉnh đơn thuốc càng sớm càng tốt.
- Các bệnh nhân mới được chỉ định điều trị insulin sẽ gặp khó khăn do bác sỹ ít có thời gian hướng dẫn cách tiêm và chỉnh liều. Tốt nhất nên xin bác sỹ các tờ hướng dẫn chỉnh liều insulin hoặc xin số điện thoại của bác sỹ, điều dưỡng để xin tư vấn nếu cần.
- Phải duy trì điều trị đầy đủ các bệnh mắc kèm, như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
Các biện pháp hỗ trợ kiểm soát đường huyết:
- Tất cả các bệnh nhân cần lĩnh/mua đủ thuốc đái tháo đường, cũng như que thử đường huyết, kim tiêm, bông cồn… thêm ít nhất 1 tháng so với bình thường. Nếu là bệnh nhân khám bảo hiểm thì hãy đề nghị được lĩnh thuốc ít nhất 2 tháng.
- Các bệnh nhân nên có thêm que thử ceton niệu. Khi đường huyết tăng > 13,5 mmol/L hoặc bị sốt thì nên thử ceton niệu để xem có bị biến chứng nhiễm toan ceton không
- Cố gắng ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày và tránh để bị stress
- Nếu thấy mệt, nôn hay đường huyết cao dao động thì nên liên hệ với bác sỹ ngay
Tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát tốt đường huyết ở Việt Nam khá thấp, chỉ khoảng 25% đạt mục tiêu HbA1C < 7,0%. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường nên tận dụng cơ hội “giãn cách xã hội” để cố gắng điều trị bệnh đái tháo đường thật tốt. Kiểm soát tốt đường huyết sẽ không chỉ giúp ngăn ngừa virus COVID-19 lan tràn trong cơ thể bạn, hạn chế các biến chứng nặng mà còn giúp bạn hồi phục nhanh hơn. Diễn viên Hollywood nổi tiếng Tom Hanks là một ví dụ. Ông là bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 được phát hiện nhiễm COVID-19 ngày 11/3 nhưng nhờ kiểm soát đường huyết tốt nên đến ngày 17/3 ông đã hết các triệu chứng và được ra viện, và hiện đã khỏi bệnh.
TS. BS Nguyễn Quang Bảy
Khoa Nội tiết – Bệnh viện Bạch Mai
Bộ môn Nội – Trường Đại học Y Hà Nội
Tài liệu tham khảo
International Diabetes Federation: COVID-19 and Diabetes. https://www.idf.org/aboutdiabetes/what-is-diabetes/covid-19-and-diabetes.html
Jun Zhou and Jie Tan. Diabetes patients with COVID-19 need better care. Metabolism. 2020 Mar 24: 154216.
Aihong Wang, Weibo Zhao. Timely blood glucose management for the outbreak of 2019 novel coronavirus disease is urgently needed. Diabetes Research and Clinical Practice. Volume 162, April 2020, 108118
Kathleen Davis. How does COVID-19 affect people with diabetes. Medical News Today. April 2, 2020.
Dự thảo “Hướng dẫn điều trị đái tháo đường trong thời kỳ đại dịch COVID-19”. Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, tháng 4/2020.