Vì sao kiến đi ngược chiều thường chụm đầu vào nhau?
Thiên nhiên rất đỗi bí ẩn, ngay cả những chú kiến nhỏ cũng có những 'bí mật' riêng mà không phải ai cũng biết.
Các nghiên cứu chỉ ra, kiến là động vật thuộc bộ cánh màng, lớp sâu bọ. Nhà khoa học Corrie Moreau và các đồng nghiệp người Pháp đã công bố một nghiên cứu cho thấy kiến xuất hiện cách đây từ 140 đến 170 triệu năm. Có nghĩa chúng là sinh vật cổ đại bậc nhất vẫn tồn tại cho đến ngày nay, bất chấp sự biến động dữ dội của trái đất.
Bởi vậy, trải qua hàng triệu năm lịch sử, kiến vẫn luôn là loài có khả năng sinh tồn cao, chúng không ngại vượt qua những thách thức, biến động của thời tiết. Không những vậy, chúng còn có sự tiến hóa để phù hợp với thiên nhiên và môi trường sống khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, kiến còn là loài sống bầy đàn, với cách tổ chức xã hội khá riêng biệt. Mỗi tổ kiến trung bình có khoảng 100.000 con trong một đàn với một mẹ duy nhất (kiến Chúa, có thể sống dai tới 30 năm). Ở đây, có điều gì đó giống cách tổ chức cuộc sống bầy đàn của loài ong.
Tuyệt đại số kiến con lại trong đàn là kiến thợ (chỉ sống từ 1-2 năm)- được ví như những lao động chăm chỉ, miệt mài nhất trái đất. Công việc của kiến thợ là chăm sóc kiến chúa, ấp trứng, chuyển trứng, nuôi kiến con, xây dựng hang, kiếm thức ăn, canh gác...
Cũng ít người biết rằng, tất cả kiến thợ đều là giống cái nhưng cơ quan sinh sản chưa phát triển đầy đủ, nên không bao giờ có thể trở thành kiến Chúa mà mãi mãi chỉ là chân “cu-li” từ khi sinh ra cho đến chết. Thậm chí, chúng còn phải sống đời “khó nhọc” khi thường xuyên đi kiếm ăn, tha mồi về tổ phục vụ kiến chúa và đồng loại của mình.
Kiến được xem là loài mạnh nhất vì chúng có thể vác thức ăn nặng hơn chúng cả 10 lần. Nhưng để vận chuyển lượng thức ăn nặng nề đó, chúng phải dùng sức mạnh tập thể trong sự phối hợp. Chúng cùng nhau khiêng thức ăn kiếm được một cách rất dễ dàng, khi mà cả ngàn con cùng chung sức.
Kiến là loại côn trùng giao tiếp tín hiệu với nhau bằng râu nên khi đi trên đường chúng chạm vào nhau để truyền tín hiệu. Khi phát hiện ra mồi nhưng quá to và không thể tha đi, kiến sẽ di chuyển vể tổ thông báo để cả đàn cùng đến vận chuyển.
Giữa đường nếu gặp một con kiến khác, hai con chạm râu vào nhau thì lập tức cả hai cùng chạy đi ngay. Và khi tới tổ thì những con kiến khác cứ lần lượt chạm râu vào nhau và lên đường tức khắc. Tuy nhiên, việc chạm râu chỉ báo cho đồng loại biết là có mồi chứ không báo được hướng đi đến cũng như địa điểm có mồi.
Ngoài ra, trên đường đi chúng còn để lại những phân tử hóa học để đánh dấu đường cho những con kiến phía sau. Bạn thử lấy một cái khăn ấm lau ngang qua đường đi của kiến sẽ thấy chúng bị mất phương hướng ngay.
Người ta từng nói đến sự phi thường trong thế giới loài kiến. Chúng không có tai mà cảm nhận âm thanh từ rung động mặt đất, thông qua bộ cảm biến nhạy cảm trên các chân. Chúng có khả năng tồn tại đến huyễn tưởng bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu.
Chính vì thế kiến cũng là một trong những sinh vật đầu tiên trên trái đất được con người đưa ra ngoài vũ trụ trong thí nghiệm chinh phục bầu trời. Kiến có thị lực kém, bù vào đó chúng thường sử dụng từ trường của trái đất để định hướng đường đi. Chúng được coi là loài côn trùng thông minh nhất khi trong cái đầu bé nhỏ của kiến có hơn 250.000 tế bào não.
Là loài vật siêng năng chăm chỉ, kiến cũng được cho là những “vận động viên cừ khôi”. Nếu một con kiến có kích thước tương đương với con người, thì chúng có thể chạy bộ đạt vận tốc chạy trung bình 55 km/h mà không bao giờ bị mệt. Chúng lại có thể nâng một vật có trọng lượng gấp 50 lần cơ thể nó với sức mạnh phi thường.
Lam Anh (Tổng Hợp)