Vì sao lao động thất nghiệp ở Hà Tĩnh không muốn học nghề mới?
Dù được hỗ trợ học nghề trong thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, song, tỷ lệ lao động ở Hà Tĩnh tham gia học vẫn rất thấp.
Sau 5 năm làm công nhân cho một công ty tại tỉnh Bắc Ninh, chị Trần Thị H. ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) xin nghỉ việc trở về quê sinh sống. Đầu tháng 2/2024, chị H. đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Tại đây, chị H. được tư vấn học nghề rất kỹ lưỡng nhưng chị vẫn quyết định chỉ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp chứ không tham gia học nghề.
Chị Trần Thị H. cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình, chồng công tác xa nhà, con còn nhỏ nên tôi không mặn mà với việc học nghề để chuyển đổi nghề. Sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi sẽ quay lại công ty tiếp tục làm công nhân để có thu nhập ổn định hằng tháng”.
Chị Đặng Thị L. ở xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) đang hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1/2024, mỗi tháng gần 2,2 triệu đồng (được hưởng trợ cấp 12 tháng). Mặc dù được tư vấn học nghề, nhưng chị L. chỉ lựa chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chị L. cho hay: “Trong điều kiện hiện tại, việc tôi nhận hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng giải quyết một phần kinh tế eo hẹp khi chưa tìm được việc làm phù hợp. Nếu bây giờ muốn chuyển đổi sang một nghề khác mà thỏa mãn các tiêu chí: phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân thì tôi sẽ mất một thời gian dài để học, trong khi chính sách hỗ trợ chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng”.
Mong muốn được học nghề lái xe ô tô hạng B2 trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng anh Lê Ngọc S. ở xã Hương Giang (Hương Khê) quyết định không theo học. Anh S. chia sẻ: “Để học được nghề lái xe hạng B2 cần nhiều thủ tục, giấy tờ khi nhận gói hỗ trợ học nghề. Trong khi đó, mức hỗ trợ học nghề lái xe chỉ là 4,5 triệu đồng, mới gần bằng 1/4 số tiền cho khóa học (một khóa học lái xe kinh phí hơn 17,7 triệu đồng)”.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, trong năm 2023 có 7.786 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 210 người học nghề. Quý I/2024, trung tâm đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.312 lao động nhưng cũng chỉ có 146 người đăng ký học nghề với nhiều ngành nghề: nấu ăn, pha chế, nail, lái xe, cơ khí... (mới có 32 người học và được hỗ trợ kinh phí).
“Mặc dù, trong quý I/2024, số lượng lao động đăng ký học nghề tương đối đông nhưng không tập trung cùng thời điểm nên việc tổ chức lớp gặp khó khăn. Muốn mở được 1 lớp học nghề thì mỗi lớp 10 người mới tổ chức được, vì vậy, một số lao động đến thời điểm đó chờ khá lâu nên họ đã có việc làm bán thời gian, không tham gia học được và một số đã hết thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp”, ông Hồ Anh Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh) lý giải.
Cũng theo ông Tú, một nguyên nhân khác khiến lao động thất nghiệp chưa mặn mà với học nghề là do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông. Hiện nay, nhu cầu lao động phổ thông lớn nên người lao động dễ tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp. Ngoài ra, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (chi phí ăn ở, đi lại …) dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.