Vì sao liên kết vùng ĐBSCL chậm phát triển?

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ việc liên kết vùng ĐBSCL chưa phát triển không thể nói do hạ tầng mà bản chất là ở tinh thần hợp tác giữa các địa phương.

Sáng 17/12, tại Diễn đàn liên kết phát triển TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Connect) năm 2021 với chủ đề Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ có ý kiến chuyên gia cho rằng sau đại dịch, TP.HCM sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn ĐBSCL. Bởi lẽ, TP.HCM là một thực thể kinh tế nên có sự chủ động hơn trong điều phối so với 13 "mảnh ghép" của ĐBSCL.

Hạ tầng không phải lý do duy nhất

Lập luận này gợi mở khiến ông Hoan suy nghĩ cần nhìn ĐBSCL như một thực thể kinh tế. "Mạch máu" của 13 tỉnh ĐBSCL không thể đóng khuôn trong một địa giới hành chính nào.

Vị bộ trưởng kể lại khi còn là Bí thư Đồng Tháp, một doanh nhân Australia từng chia sẻ ở đất nước này không ai biết Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang... nhưng nói đến Mekong thì nhiều người biết bởi đây là một trong những đồng bằng lớn nhất thế giới. Nhận định này giúp ông nhận ra rằng cần chuyển đổi tư duy liên kết vùng thay vì tư duy địa phương.

"Mỗi cái tên của địa phương có thể viết nhỏ lại một chút để chữ Mekong hay chữ Việt Nam lớn hơn, tạo ra hình ảnh sức mạnh. Nền kinh tế thị trường thì phải hiểu sức mạnh trên quy mô thị trường. Nhiều khi ngồi trong địa giới hành chính tự hào sản lượng lớn, nhưng thật ra góc thị trường rất nhỏ", Bộ trưởng phân tích.

 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ liên kết vùng ĐBSCL là câu chuyện đã nói 20 năm nay. Ảnh: Thu Hằng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ liên kết vùng ĐBSCL là câu chuyện đã nói 20 năm nay. Ảnh: Thu Hằng.

Ông Hoan nói liên kết vùng ĐBSCL là chuyện đã nói 20 năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng liên kết chưa thành công là do hệ thống giao thông bị đứt gãy nên không đủ điều kiện kết nối giữa các địa phương.

"5-10 năm nay, tôi trăn trở việc đó. Có phải chỉ do hạ tầng không, hay ta mượn hạ tầng để nói", lãnh đạo Bộ NNPTNT chia sẻ và cho rằng hạ tầng chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ.

Vị bộ trưởng nêu quan điểm lãnh đạo không thể ngồi riêng với nhau để tháo gỡ vấn đề này, mà cần bàn bạc với doanh nghiệp, người dân nếu muốn tính chuyện lớn. Đây là giá trị của diễn đàn Mekong Connect khi tạo điều kiện để các bên cùng trao đổi, giải quyết các vấn đề với tư duy khác. Mỗi lãnh đạo bộ, ngành, địa phương có thể lấy ý tưởng, sáng kiến từ cộng đồng này, tìm giải pháp cho các vấn đề.

TP.HCM cần Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ trưởng NNPTNT nhận định thế giới hiện đứng trước 3 biến đổi lớn: Biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng. Nền kinh tế xanh đang phủ bóng thế giới, trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam đang loay hoay ở tư duy sản lượng nhưng đánh đổi nhiều chi phí.

Ông nhận định có những chi phí hiện nay người nông dân chưa hình dung hết, cụ thể như làm biến dạng hệ sinh thái và ảnh hưởng chi phí thương hiệu của một nền nông nghiệp, thậm chí quốc gia. Ví dụ, chỉ cần thay đổi một vấn đề nhỏ là nói đến ĐBSCL không nói chuyện ăn thịt chim trời cũng sẽ tác động đến sự bảo vệ đa dạng sinh học, thay đổi hình ảnh của khu vực.

Cuối cùng, vị bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy hợp tác, liên kết. Nếu ngồi than phiền thì không mang lại giá trị gì mà phải ngồi lại với nhau, thảo luận sáng kiến, cùng nhau làm chính sách, mô hình. ĐBSCL phải tự mình vượt qua biến đổi khí hậu, phát triển thành đồng bằng mang thương hiệu thế giới.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đây là lần đầu tiên TP.HCM chủ trì diễn đàn Mekong Connect. Ảnh: Thu Hằng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đây là lần đầu tiên TP.HCM chủ trì diễn đàn Mekong Connect. Ảnh: Thu Hằng.

Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định liên kết vùng hiện là nhu cầu cấp thiết. Tinh thần là TP.HCM cần ĐBSCL và ngược lại.

Ông đề nghị diễn đàn thảo luận để đi đến thống nhất hành động trong năm 2022 và sau đó để xác định trọng tâm, thách thức cho cả TP.HCM và ĐBSCL. Từ đó, các bên cùng tìm ra cơ chế để hợp tác.

Sau diễn đàn, ông kỳ vọng có thể phân công các đầu mối để triển khai chương trình hành động thống nhất giữa 2 khu vực.

Mekong Connect là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nông dân, hợp tác xã, nhà quản lý... trong và ngoài nước quan tâm đến ĐBSCL. Diễn đàn này khởi động năm 2015, ra đời từ sáng kiến của mạng lưới liên kết vùng ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp).

Năm 2021 là lần đầu tiên TP.HCM tham gia và chủ trì Mekong Connect.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-lien-ket-vung-dbscl-cham-phat-trien-post1283877.html