Vì sao lương đóng bảo hiểm xã hội trong khu vực doanh nghiệp tăng chậm?

Từ sau năm 2016 đến nay, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong khu vực doanh nghiệp tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hàng năm.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2016 – 2021, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong khu vực doanh nghiệp có sự gia tăng song không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hàng năm.

Hiện nay, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động là khoảng 5,6 triệu đồng, tăng hơn 33% so với mức của năm 2016. Mức này bằng 86% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cao nhất (6,5 triệu đồng), tiếp sau là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (6,1 triệu đồng), cuối cùng là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh (5,1 triệu đồng).

Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động giai đoạn 2016 - 2021

Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động giai đoạn 2016 - 2021

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã có lộ trình từ năm 2018 trở đi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ở khu vực doanh nghiệp bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nhờ đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ở khu vực này thời gian qua đã được cải thiện từng bước, song vẫn chưa tiếp cận với thu nhập thực tế của người lao động.

Để nâng dần tiền đóng bảo hiểm xã hội sát thu nhập thực tế để cải thiện lương hưu cho người lao động, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực doanh nghiệp sẽ được quy định cụ thể hơn.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Thẩm tra về nội dung này Ủy ban Xã hội của Quốc hội đồng tình với quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước bao gồm: mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Đây là quy định rất tiến bộ trong việc xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, đặc biệt dự thảo Luật đã bổ sung yếu tố “thường xuyên và ổn định” làm căn cứ xác định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ trong trường hợp trả lương theo giờ, ngày, tuần thì xác định “lương tháng” để làm căn cứ tính tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như thế nào. Trường hợp tiền lương theo giờ, ngày, tuần khi tính thành lương tháng mà thấp hơn quy định về mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất thì xử lý ra sao.

Cùng với đó, cân nhắc bổ sung nội dung quy định về các chế độ, phúc lợi không được tính làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, trên cơ sở cụ thể hóa quy định của Thông tư 06/2021 của Bộ LĐ-TB&XH theo hướng: “Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm tiền thưởng theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ và các chế độ, phúc lợi khác theo quy định của Chính phủ”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-luong-dong-bao-hiem-xa-hoi-trong-khu-vuc-doanh-nghiep-tang-cham-post550102.antd