Vì sao lương hưu chưa hấp dẫn
Với mức đóng BHXH thấp, lương hưu của người lao động sẽ có khoảng cách rất lớn so với mức tiền lương và thu nhập thực tế khi đang làm việc
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ đóng BHXH cao; tỉ lệ hưởng lương hưu cũng cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới. Hiện nay, tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng BHXH 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam. Tuy nhiên, mức lương hưu người lao động nhận được lại khá thấp.
Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, mức lương hưu của người lao động phụ thuộc vào thời gian đóng góp và lịch sử mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mức lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian đóng BHXH dài hay ngắn và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao hay thấp.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2022, tiền lương căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động tăng dần từng năm, từ mức 4,3 triệu đồng/tháng năm 2016 lên 5,73 triệu đồng/tháng năm 2022, song tỉ lệ tăng các năm có xu hướng giảm dần (năm 2017 tăng 6,91%, 2018 tăng 10,92%, 2019 là 5,2%, 2020 là 4,74%, 2021 là 1,45% và 2022 chỉ 0,55%). "Từ mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nêu trên và qua một số cuộc khảo sát về về mức lương và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp cho thấy còn khoảng cách khá xa giữa mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với mức tiền lương và thu nhập thực tế mà người lao đông được nhận. Tại nhiều doanh nghiệp con số này chỉ chiếm 50% - 60%. Hệ quả là với mức đóng BHXH thấp, lương hưu của người lao động sẽ có khoảng cách rất lớn so với mức tiền lương và thu nhập thực tế khi đang làm việc"- ông Nam chia sẻ.
Nguyên nhân của mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, theo ông Nam là do chưa có quy định về đóng dựa trên mức tiền lương và thu nhập thực tể của người lao động. Với cơ chế tiền lương thỏa thuận và chinh sách tiền lương do doanh nghiệp tự quyết dịnh thì việc quy định đóng góp dựa trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung sẽ là không đông nhất ở các doanh nghiệp. Và thông thường các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển các khoàn chi lương cố định sang các khoản lương phụ thuộc vào kết quả đánh giá công việc, kết quả hoạt động kinh doanh hoặc chuyển thành các khoản mang tính phúc lợi để giảm số tiền phải đóng vào quỹ BHXH.
Với giả định người lao động có mức binh quân tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng lương hưu bằng mức bình quân đóng năm 2022 là 5,73 triệu đồng/tháng, với tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì mức lương hưu người lao động nhận được là khoảng 4,3 triệu đồng/tháng. Trên thực tế thì mức hưởng còn thấp hơn rất nhiều do tiền lương đóng thấp hơn ở các giai đoạn trước và không phải ai cũng được hưởng mức lương hưu tối đa 75%. Trong nhiều trường hợp mức lương hưu sẽ không là "thỏa đáng" và từ đó tạo nên áp lực cho nhà nước trong việc phải điều chỉnh lương hưu để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt, tiêu dùng của người nghỉ hưu.
Thực tế giai đoạn 2016-2022, thông qua việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ, về cơ bản tốc độ điều chỉnh lương hưu đang cao hơn rất nhiều so với tốc độ của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế; tỉ lệ điều chỉnh lương hưu thời gian qua luôn bằng tốc độ tăng của lương cơ sở. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức tăng cao đã tạo ra gánh nặng chi trả cho quỹ BHXH và ngân sách nhà nước, không phản ánh đúng nguyên tắc đóng- hưởng, tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối quỹ BHXH trong tương lai.
Để khắc phục thực trạng trên, Luật BHXH sẽ sửa đổi theo định hướng của Nghị quyết 28-NQ/TW. Cụ thể, căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương; Điều chỉnh lương hưu cơ bản trên cơ sở mức tăng của chỉ số giả tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách nhà nước; Quan tâm điều chinh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghi hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đối, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hường và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế dộ hưu trí.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/vi-sao-luong-huu-chua-hap-dan-20231101222724854.htm