Vì sao Lưu Bị trao binh quyền cho Lý Nghiêm?
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc trao binh quyền cho Lý Nghiêm chứ không phải Gia Cát Lượng thực chất là một nước đi thâm sâu và nhiều ẩn ý của Lưu Bị.
Năm xưa trước khi qua đời ở thành Bạch Đế, Lưu Bị từng giao việc phò tá con trai Lưu Thiện cho hai vị đại thần của mình. Đó là Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm.
Bấy giờ, Lưu Bị giao lại quyền điều hành nội chính cho Gia Cát Lượng, còn Lý Nghiêm lại là người được trao cho binh quyền.
Nếu chỉ nhìn qua, sẽ có không ít người cho rằng hành động này của vị quân chủ ấy chỉ nhằm mục đích phân chia công bằng cho hai vị đại thần ủy thác.
Thế nhưng theo quan điểm của Qulishi, quyết định nói trên của Lưu Bị lại có không ít ẩn ý khác.
Ẩn ý phía sau di mệnh ủy thác đại thần của Lưu Bị
Sau khi Quan Vũ bị sát hại, Lưu Bị vì trả thù cho ông mà xuất binh thảo phạt Đông Ngô. Hành động này bất kể là vì việc công hay thù tư thì đều đã thay đổi chiến lược liên Ngô kháng Tào mà Gia Cát Lượng đề ra cho Thục Hán trong suốt nhiều năm.
Hậu quả là Thục Hán đại bại trước quân địch trong trận Di Lăng, Lưu Bị dù giữ được mạng sống nhưng không lâu sau cũng vì u uất mà lâm trọng bệnh.
Năm xưa, Lưu Bị luôn giương cao khẩu hiệu phục hưng Đại Hán. Thế nhưng sau tổn thất trong cuộc chiến với Đông Ngô, ông cũng chỉ đành chấp nhận một sự thật rằng bản thân có lẽ đã vĩnh viễn không còn cơ hội khôi phục lại giang sơn Đại Hán.
Tuy nhiên theo Qulishi, vì vấn đề thể diện, vị quân chủ họ Lưu ấy cũng không thể ra mặt lệnh cho Gia Cát Lượng ngừng tiến hành Bắc phạt mà chỉ cần cố thủ để lo giữ căn cơ là được.
Vì vậy, ông chỉ đành tìm một đại thần với trung thành với Lưu Thiện, vừa không muốn tiến hành Bắc phạt, lại có quan hệ với Gia Cát Lượng để phó thác binh quyền.
Có như vậy, người này sẽ khiến cho quá trình Bắc phạt diễn ra trong khuôn khổ, chừng mực nhất định. Và nhân vật được chọn không ai khác mà chính là Lý Nghiêm.
Lý Nghiêm - Nhân vật được Lưu Bị chọn lựa để bảo đảm tương lai cho Thục Hán
Ngày nay, hậu thế có lẽ chỉ biết Lý Nghiêm và Gia Cát Lượng đã từng có bất hòa, thế nhưng ít ai biết rằng hai người họ lại từng là người quen cũ.
Bởi Lý Nghiêm năm xưa xuất thân ở đất Nam Dương, mà nơi đây lại chính là chốn ẩn cư của Gia Cát Lượng trong suốt một thời gian dài.
Vì vậy có thể nói, trước khi cùng trở thành triều thần của Thục Hán, hai người này đã sớm quen biết nhau từ trước.
Vào thời điểm Ngụy Diên đưa ra kế "Tý Ngọ cốc", có thể nhìn ra được một vấn đề: Nội bộ triều đình nước Thục khi ấy chia ra làm 3 thế lực vừa phụ thuộc lại vừa đối kháng lẫn nhau, bao gồm:
Nhóm thứ nhất là các thuộc hạ cũ của Lưu Bị trước khi nhập Xuyên, do Gia Cát Lượng đứng đầu. Nhóm thứ hai bao gồm các đại thần xuất thân từ các đại gia tộc ở đất Kinh Châu.
Và cuối cùng là nhóm trước kia trung thành với cha con Lưu Biểu, sau lại trung thành với quan lại sĩ tộc Ích Châu, do Lý Nghiêm đứng đầu.
Lý Nghiêm vốn là thuộc hạ cũ dưới chướng Lưu Chương, vì vậy ông đồng thời cũng là người đại diện cho lợi ích của các đại gia tộc ở đất Ích Châu.
Sau trận Xích Bích, Kinh Châu vốn là nơi mà hai phe Thục – Ngụy giao tranh liền nhanh chóng trở nên hoang toàn.
Vì thế, các đại gia tộc Kinh Châu lẫn thuộc hạ cũ của Lưu Bị đều nhất trí mở rộng địa bàn về phía Bắc. Do đó, các đại gia tộc Kinh Châu cùng nhóm thuộc hạ cũ của Lưu Bị do Gia Cát Lượng dẫn đầu đều là phe chủ chiến.
Thế nhưng nhóm của Lý Nghiêm thì không đồng ý với quan điểm này, bởi họ không có hứng thú với việc Bắc phạt.
Nguyên nhân nằm ở chỗ, lợi ích của nhóm người này đều ở đất Ích Châu. Hay nói cách khác, nếu Gia Cát Lượng thuộc phe tiến thủ thì Lý Nghiêm chính là phe bảo thủ, chỉ muốn Thục Hán an phận thủ thường.
Vì vậy, Lưu Bị giao lại binh quyền cho Lý Nghiêm chính là bày tỏ ý muốn trước tiên cần phải giữ vững cơ nghiệp nhà Thục thay vì vội vàng tiến hành Bắc phạt.
Từ người giữ vai trò duy trì sự cân bằng trở thành kẻ đối kháng, Lý Nghiêm nhận kết cục "đắng" từ Gia Cát Lượng
Thực tế, thất bại trong việc thảo phạt Đông Ngô đã khiến cho Thục Hán phải chịu nhiều tổn thất không nhỏ. Lưu Bị vốn dĩ nên đặt nhiều hy vọng vào việc Gia Cát Lượng có thể mở rộng lãnh thổ.
Thế nhưng việc mở rộng lãnh thổ có thể gây nguy hiểm với căn cơ mà ông để lại cho Lưu Thiện lại là điều mà vị quân chủ ấy không muốn nhìn thấy.
Vì vậy, Lưu Bị lựa chọn giao lại binh quyền cho Lý Nghiêm, người vừa đại diện cho lợi ích của Lưu Thiện lẫn các đại gia tộc Ích Châu, lại vừa có quan hệ với Gia Cát Lượng.
Điều này cũng thể hiện: Thứ Lưu Bị hy vọng ở Gia Cát Lượng chính là việc mở rộng lãnh thổ một cách có chừng mực và không mạo hiểm.
Chỉ tiếc rằng, Lý Nghiêm sau này vì muốn bảo vệ lợi ích phe cánh của mình mà đã nảy sinh mâu thuẫn với Gia Cát Lượng.
Năm 226, Gia Cát Lượng lúc bấy giờ đang ở Hán Trung chuẩn bị Bắc phạt Tào Ngụy nên đã điều Lý Nghiêm về đây trấn thủ. Vì vậy có thể thấy ở vào thời điềm này, Khổng Minh vẫn tương đối tín nhiệm Lý Nghiêm nên mới phó thác hậu phương cho ông.
Nào ngờ, Lý Nghiêm dùng đủ mọi cách để thoái thác, chỉ muốn tiếp tục ở lại Giang Châu trấn thủ.
Cùng với đó, vị đại thần này còn muốn Gia Cát Lượng giao lại 5 quận cho mình để gộp thành Ba Châu, từ đó muốn bản thân đảm nhiệm chức Thứ sử Ba Châu.
Năm 230, quân Tào chia làm 3 đường tiến đánh Hán Xuyên. Lúc này Gia Cát Lượng lại một lần nữa muốn điều Lý Nghiêm về Hán Trung, nhưng ông vẫn không chịu.
Không còn cách nào khác, Gia Cát Lượng chỉ đành phong Lý Nghiêm lên làm Phiêu kỵ Đại tướng quân, tới lúc này ông mới chịu về Hán Trung trấn thủ.
Một năm sau, Gia Cát Lượng dẫn binh tiến ra Kỳ Sơn, Lý Nghiêm phụ trách cung cấp lương thảo cho đại quân. Thế nhưng vì đường đi khó khăn, việc vận chuyển quân lương gặp nhiều cản trở, Lý Nghiêm vì sợ bị trách tội nên khuyên Gia Cát Lượng lui binh.
Khi việc đã thành, Lý Nghiêm lại tâu với Lưu Bị, vờ nói rằng quân lương vẫn đủ, hà cớ gì lại lui binh.
Hành động lật lọng này của ông đã chọc giận Gia Cát Lượng. Kết quả là Lý Nghiêm nhanh chóng bị vạch tội, cuối cùng bị cách chức và chịu án lưu đày.