Vì sao Lviv trở thành 'điểm hẹn sơ tán' ở Ukraine?

Dù cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, chính quyền và người dân thành phố Lviv - cái nôi của chủ nghĩa dân tộc Ukraine - đang dần chuẩn bị cho tình huống chiến tranh.

Trong tuần qua, thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine chào đón hàng loạt đại sứ quán của phương Tây sơ tán từ Kyiv, cũng như trụ sở của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Một số cơ quan trong số này đang thiết lập trụ sở dã chiến ở các khách sạn địa phương, theo Financial Times. Tuy vậy, có thể họ sẽ có địa điểm làm việc mới trong những ngày sắp tới.

“Chúng tôi có thể chào đón bất cứ ai, chúng tôi vẫn còn nhiều chỗ”, ông Yurko Nazaruk, chủ một công ty dịch vụ lưu trú, tươi cười. Ông đang có kế hoạch chuyển đổi công năng một quán bar thành “không gian làm việc chung ngoại giao”, với cả các cột cờ như một đại sứ quán thực thụ.

Chỉ cách biên giới với Ba Lan chưa đầy 100 km, Lviv là địa điểm lý tưởng để các đại sứ quán “tạm lánh” trước mối lo về một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra, nơi đây còn là trung tâm của chủ nghĩa dân tộc và văn hóa, là “linh hồn” của Ukraine.

Địa điểm sơ tán

Mỹ là quốc gia đầu tiên chuyển hoạt động của đại sứ quán tại Ukraine từ Kyiv tới Lviv hôm 14/2. Tiếp sau Mỹ, một số quốc gia phương Tây khác như Anh cũng di dời nhân viên đến Lviv.

Bên cạnh các đại sứ quán, một số người dân Ukraine cũng tìm cách di tản tới Lviv. Bà Zhanna Shevchenko, một chuyên gia truyền thông, cho biết bản thân đã giúp khoảng 20 người bạn tìm nơi tá túc tại Lviv.

Tuy vậy, một số người không muốn công khai về chuyến đi của mình. Chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã khuyến cáo người dân “giữ bình tĩnh” để không mắc bẫy “chiến tranh thông tin” của Nga.

 Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine Kristina Kvien trả lời truyền thông tại Lviv hôm 15/2. Ảnh: AP.

Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine Kristina Kvien trả lời truyền thông tại Lviv hôm 15/2. Ảnh: AP.

Chính phủ Ukraine cũng tỏ ra không hài lòng khi một số đại sứ quán phương Tây cắt giảm nhân sự tại Ukraine hoặc di dời khỏi Kyiv. Ông Zelensky gọi đây là “sai lầm lớn”.

“Điều này thật lạ lùng”, ông Zelensky nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 14/2. “Nhưng đây là quyết định của họ”.

“Mọi người không muốn gây ra sự sợ hãi”, bà Shevchenko nhận định, theo Washington Post. “Mặt khác, họ đồng thời hành động để tránh gặp phải nguy hiểm”.

Trong khi đó, một số người dân Lviv cũng tính đến việc sơ tán nếu xảy ra xung đột. Khi cảm nhận mối đe dọa từ Nga gia tăng, ông Orest Putsentela, một nghệ nhân chế tạo đàn violin ở thành phố Lviv, Ukraine, đã nghĩ đến việc đóng gói đồ đạc để sẵn sàng rời đi.

Dù cuộc sống tại Lviv về cơ bản vẫn diễn ra như bình thường, người dân thành phố miền Tây Ukraine này không tránh khỏi cảm giác lo lắng.

Hôm 16/2, ông Putsentela phải chạy vội vã đi đón con vì một báo động đánh bom giả ở trường học. Đây chỉ là một trong số nhiều cuộc gọi đe dọa mà chính quyền thành phố nhận được trong tuần qua.

Trong khi đó, ông cũng gặp khó khăn khi rút tiền vì một số ngân hàng Ukraine bị tấn công mạng. “Đây chỉ là những gì tôi trải qua trong một ngày. Tình hình khá căng thẳng”, ông nói.

Giới chức Ukraine tố cáo Moscow gây ra vụ tấn công mạng và các báo động đánh bom giả. Trong khi đó, người dân Ukraine vẫn tiếp tục các công việc hàng ngày.

“Mọi người tiếp tục đi làm, đám trẻ tiếp tục đến trường vào ngày hôm sau”, ông nói. “Đây là cuộc sống bình thường”.

“Linh hồn của Ukraine”

Dù vậy, thành phố cũng đã chuẩn bị cho trường hợp chiến tranh nổ ra. “Chúng tôi đã thoải mái trong những năm qua. Tuy vậy, tình hình căng thẳng trong những tháng qua buộc chúng tôi tỉnh táo lại”, Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyi tuyên bố.

Giới chức thành phố tích cực dự trữ thuốc men và nguồn máu, đánh dấu những địa điểm có thể làm hầm tránh bom hay lên kế hoạch đảm bảo nguồn nước nếu mất điện.

 Trung tâm Lviv nhìn từ trên cao. Ảnh: Reuters.

Trung tâm Lviv nhìn từ trên cao. Ảnh: Reuters.

Lviv cũng tính toán cả trường hợp khu vực này phải đón hàng loạt người nhập cư từ các vùng khác - giống như khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và căng thẳng tại miền Đông bùng lên năm 2014.

Nhân viên thuộc các cơ quan của thành phố phải tham gia các lớp huấn luyện quân sự, trong khi các buổi hướng dẫn cho công chúng cũng được tổ chức. Đứa con trai 15 tuổi của ông Putsentela sẽ được tới một trường bắn vào tuần tới. Chuyến đi này được tổ chức bởi nhà trường nơi cậu bé theo học.

Nguyên nhân khiến Lviv nhiệt tình ứng phó với nguy cơ chiến tranh có thể đến từ chính bản sắc của thành phố này - là một “thành lũy” của chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Người dân thành phố chủ yếu nói tiếng Ukraine, khác với các khu vực xa hơn về phía đông có một phần đáng kể cư dân nói tiếng Nga.

Ông Vasyl Kmet, Giám đốc Thư viện Đại học Ivan Franko tại Lviv, cho biết người dân thành phố là lực lượng “tích cực nhất” trong cuộc biểu tình chống chính phủ bị cho là thân Nga của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych năm 2014.

Theo Thị trưởng Lviv Sadovyi, thành phố đã sẵn sàng cho mọi bối cảnh nếu Nga muốn leo thang căng thẳng với Ukraine. Ông cũng muốn Kyiv “càng ngày càng mạnh mẽ hơn” và mong các đại sứ quán sẽ trở về thủ đô sớm nhất có thể.

Tuy vậy, ông nhận định việc Lviv - cái nôi của chủ nghĩa dân tộc và văn hóa Ukraine - trở thành “thủ đô phía tây” của đất nước là điều hoàn toàn dễ hiểu.

“Kyiv là trái tim, còn Lviv là linh hồn của của Ukraine”, ông Sadovyi nói. Bạn có thể cấy ghép trái tim, nhưng không thể cấy ghép linh hồn”.

Việt Hà

Theo Financial Times, Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-lviv-tro-thanh-diem-hen-so-tan-o-ukraine-post1297459.html