Vì sao 'ly hôn hoa râm' ngày càng phổ biến và có xu hướng tăng cao
Các cuộc 'ly hôn hoa râm' đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia và cả ở Việt Nam. Điều đáng nói là hầu hết trong các cuộc chia tay này, số bà vợ đệ đơn xin ly dị cao hơn hẳn các ông chồng.
Ly hôn có thể tàn khốc với mọi lứa tuổi. Nhưng với tuổi già, "hạnh phúc cũ" hay "lỗi lầm mới" càng cần được cân nhắc thật kỹ…
"Ly hôn hoa râm" là thuật ngữ chỉ những cặp vợ chồng ở tuổi trung niên muốn kết thúc cuộc sống hôn nhân thay vì chung sống với nhau đến già.
Ly dị ở tuổi trung niên (grey divorce) là một hiện tượng tại nhiều quốc gia. Hơn 40% người trung niên Hàn Quốc cho biết họ muốn ly hôn, theo kết quả của một cuộc thăm dò do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện năm 2019.
Tại Nhật Bản, hiện tượng này được gọi tên "Hội chứng ly hôn khi người chồng nghỉ hưu". Trong suốt những năm làm việc chăm chỉ để cống hiến cho sự nghiệp, một người chồng ở Nhật thường không có nhiều thời gian cho gia đình.
Kết quả là, vợ chồng họ có thể không nói chuyện và giao tiếp với nhau nhiều và khi người chồng nghỉ hưu thì cả 2 đều cảm thấy như mình đang sống với người lạ. Điều này có thể gây ra những thất vọng và hẫng hụt lớn với người vợ vì khi thực sự chung sống cùng người chồng thì lại cảm thấy căng thẳng và hoàn toàn xa lạ.
Tại Mỹ, theo thống kê, cứ 4 người ly hôn thì có một người trên 50 tuổi. Tỷ lệ ly hôn ở nhóm tuổi này đã tăng gần gấp đôi, kể từ năm 1990. Có thể kể đến một số vụ ly hôn nổi tiếng như Bill và Melinda Gates hay Jeff Bezos và MacKenzie...
Trong cuốn sách được tiêu thụ rất nhiều mang tên "Ly hôn muộn và bắt đầu lại", Deirdre Bair, nhà tâm lý, xã hội học Mỹ, đã viết về cái mà cô gọi là một "hiện tượng toàn cầu" bằng việc ghi nhận những câu chuyện bất ngờ về những người đàn ông và phụ nữ đã chọn kết thúc cuộc hôn nhân sau tuổi 40, 50 hoặc hơn thế nữa. Họ đã quyết định rằng họ không muốn dành thêm 20 hoặc 30 năm nữa với người bạn đời mà họ không còn tình cảm.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều yếu tố giải thích sự tăng đột biến của "ly hôn hoa râm", ví dụ như ly hôn được xã hội chấp nhận dễ dàng hơn, phụ nữ độc lập hơn về tài chính...
"Nghiên cứu chỉ ra rằng hôn nhân phát triển mạnh mẽ hơn khi chồng tăng thu nhập và ngược lại, sẽ dễ đi đến tan vỡ nếu thu nhập của vợ tăng" - chuyên gia phân tích tài chính Marguerita Cheng (Investopedia & Kiplinger) nói.
Bên cạnh đó, cuộc sống của hầu hết các cặp vợ chồng ở tuổi trung niên rơi vào một cảnh chung: Sự tương tác giữa hai người được "tiêu chuẩn hóa" - quanh quẩn những câu hỏi như ăn gì, làm gì... , cuộc đối thoại giữa hai phía diễn ra nhàm chán và tẻ nhạt.
"Lý do quan trọng không thể bỏ qua khiến ly hôn xảy ra ở tuổi già nhiều hơn chính là tuổi thọ ngày nay cao và việc tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ở độ tuổi trên 50, mọi người có thể nghĩ rằng họ vẫn còn thời gian để khám phá con đường mới. Tinh thần, thể chất và tâm lý tốt ở các nền kinh tế phát triển giúp người lớn tuổi không còn né tránh ý định ly hôn vì họ tin rằng mình có thể tự tìm thấy hạnh phúc", bà Cheng nhận định.
Ngoài ra, khoảng cách tinh thần càng bị nới rộng do mâu thuẫn về sở thích, thói quen. Nếu thời trẻ vợ chồng cố gắng chịu đựng, nhẫn nhịn nhau, thì khi bước vào tuổi trung niên, họ có xu hướng "bùng nổ", dẫn đến kết cục chọn lựa ly hôn.
Chưa hết, "chất keo dính" của hôn nhân là con cái lúc này cũng không còn khi các con đã lớn và chuyển ra ngoài sống, cha mẹ mất đi mối quan tâm chung, dễ dẫn đến sự xa cách.
Tiến sĩ Randy Heller, một nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia ly hôn tại New York chỉ ra: "Mọi người nhận ra rằng họ có những lựa chọn mà họ không có trước đây. Họ nghĩ: Các con tôi đã lớn, giờ là đến lượt của tôi".
Dường như với phụ nữ ngày nay, cho dù đã đứng tuổi, nhiều người vẫn sẵn sàng có những quyết định dũng cảm tìm kiếm hạnh phúc mới ở cuối cuộc đời.
Cùng với đó là sự thay đổi về các nguồn lực kinh tế đã và đang ủng hộ phụ nữ ngày càng độc lập hơn trong cuộc sống, ngay cả khi tuổi đã xế chiều. Phụ nữ ở tuổi ngoài ngũ tuần cảm thấy có thể tự tạo ra cuộc sống, tự chăm sóc bản thân và không cần phải duy trì một cuộc hôn nhân tồi tệ.
Những người đã quyết định đi tìm điều họ muốn: Yên bình, tự do, tình yêu hay hạnh phúc thực sự thì điều mà họ phải đối mặt có thể là tuổi già cô đơn và những tai tiếng xã hội. Nhưng bất chấp tất cả, dường như xu hướng ly hôn khi tóc đã hoa râm ngày càng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, "Ly hôn hoa râm" vẫn có thể ảnh hưởng đến con cái. Tiến sĩ xã hội học Susan Brown thuộc Đại học Bowling Green State (Mỹ), đồng tác giả cuốn Cuộc cách mạng hôn nhân xám (2012), cho rằng, con cái lớn rồi, nhưng vẫn có thể bị "mắc kẹt" giữa mối tương quan gãy đổ của cha mẹ, thậm chí có trường hợp bị buộc phải đứng về "phe" nào. Điều này không mấy dễ chịu.
Một số đứa con gặp vấn đề trong việc thích nghi với cuộc hẹn hò mới của cha hoặc mẹ, hoặc một gia đình mới mà chúng phải làm quen.
Cho nên, với tuổi già, để tiếp tục tìm thấy hạnh phúc, việc lập kế hoạch cẩn thận cho cuộc ly hôn tránh những sai lầm phổ biến, hy vọng sẽ giúp người trong cuộc vững bước trong… nắng chiều rực rỡ.