Vì sao M4 Sherman trở thành xe tăng mạnh nhất Thế chiến thứ 2?
M4 Sherman là mẫu xe tăng chủ lực của quân Đồng minh trong Thế chiến thứ 2. Nó được đánh giá là chiếc xe tăng mạnh nhất nhờ độ bền bỉ, linh hoạt và dễ sửa chữa.
Xe tăng hạng trung M4 Sherman là một trong những phương tiện chiến đấu mang tính biểu tượng nhất của Thế chiến thứ 2, đồng thời đánh dấu di sản của quân đội Mỹ tại chiến trường châu Âu. Nó không chỉ là chiếc xe tăng xuất sắc trên chiến trường, mà còn cả chuỗi cung cấp tài chính, sản xuất và hậu cần.
Thước đo để xác định một chiếc xe tăng tốt không chỉ ở khả năng tác chiến. Nó còn đến từ quá trình chế tạo, nguồn cung, trang bị và khả năng vận hành của xe. Trong phần lớn yếu tố đó, M4 Sherrman đã chứng tỏ nó là một chiếc xe tăng xứng đáng với danh hiệu cỗ máy chiến tranh tốt nhất Thế chiến thứ 2.
Khả năng tác chiến hiệu quả
Tham chiến vào tháng 10/1942, những chiếc Sherman đầu tiên xuất hiện cùng quân đội Anh trong trận El Alamein lần thứ hai. Những chiếc Sherman đầu tiên của Mỹ tham chiến vào tháng 11 ở chiến dịch Bắc Phi.
Trong giai đoạn giữa của cuộc Thế chiến thứ 2 (sau chiến dịch Bắc Phi), M4 Sherman đã chứng tỏ được hiệu quả chiến đấu cao hơn so với các mẫu xe tăng hạng nhẹ cùng thời của Đức và Italy. Thế nhưng sau đó lợi thế của M4 Sherman bị suy giảm khi phải đối mặt với những xe tăng nặng hơn của Đức.
Tuy nhiên, nó vẫn là phương tiện phù hợp với số lượng đông vượt trội, độ bền cao và được hỗ trợ hậu cần tốt hơn. Ngoài ra, với sự giúp sức của pháo binh, pháo chống tăng và máy bay, M4 Sherman vẫn giành những ưu thế nhất định trên chiến trường.
Quy mô sản xuất lớn
M4 Sherman là mẫu xe tăng có quy mô sản xuất lớn, với gần 50.000 xe được xuất xưởng trong giai đoạn Thế chiến thứ 2. Đây cũng chính là mẫu xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.
Để so sánh, mẫu xe tăng Tiger I của Đức chỉ được sản xuất dưới 1.500 chiếc và Tiger II có ít hơn 500 chiếc ở cùng thời điểm đó. Các nhà máy của Mỹ đã tiêu chuẩn hóa xe tăng, phối hợp làm việc và chỉ sản xuất với đơn hàng số lượng lớn.
Tính linh hoạt cao
M4 Sherman được trang bị động cơ Continental R975-C1 mạnh 400 mã lực. Tầm hoạt động tối đa đạt 193 km và tốc độ tối đa đạt 38,6 km/h.
Ban đầu, M4 Sherman không phải là mẫu xe tăng dùng để hỗ trợ bộ binh. Nhưng khi vào cuộc chiến, nó đã làm rất tốt việc đó. Có thể nói, đây là mẫu xe tăng có khả năng tham gia mọi hình thức chiến đấu. Thiết kế của xe tập trung vào sự cơ động và hỏa lực mạnh, đặc biệt là khả năng tấn công nhanh vào hậu phương của quân địch.
Chi phí rẻ
Chi phí luôn là yếu tố quan trọng đáng xem xét trong bất kỳ cuộc chiến nào. Mỗi quốc gia đều có nguồn tài nguyên hữu hạn, Mỹ cũng không ngoại lệ. Một thế mạnh của M4 Sherman là nó khá rẻ so với những mẫu xe tăng cùng hạng khác, giá bán chưa đến 1 triệu USD.
Điều này trái ngược với những chiếc Tiger I hay Tiger II của Đức, vốn đắt đỏ và tiêu tốn nhiều vật liệu. Với giá bán rẻ, quân Đồng minh có thể dễ dàng đầu tư một số lượng lớn M4 Sherman.
Độ bền cao
Độ bền bỉ cũng là yếu tố quan trọng nhất đối với bất kỳ mẫu xe tăng nào. Bởi một chiếc xe tăng bị hỏng không khác gì một đống kim loại nặng nề. Tệ hơn nữa, người lính phải tự phá hủy chiếc xe để tránh rơi vào tay quân địch. Điều khiến M4 Sherman nổi tiếng là độ bền cao. Điều này giúp tăng niềm tin của kíp lái vào phương tiện, duy trì tinh thần sẵn sàng chiến đấu.
Dễ vận chuyển
Điểm khác biệt trong Thế chiến thứ 2 giữa Đức và các nước Đồng minh phương Tây chính là xe tăng hạng nặng. Đức sở hữu nhiều xe tăng hạng nặng, trong khi quân Đồng minh chỉ có xe tăng hạng nhẹ hoặc hạng trung.
Những xe tăng hạng nặng khá tốt, nhưng chúng nặng nề, không thể qua vùng nước sâu và rất ít cầu nổi có thể chịu được tải trọng của chúng.
Hậu cần của các nước Đồng minh phương Tây không đủ điều kiện đáp ứng xe tăng hạng nặng. Là mẫu xe tăng hạng trung, M4 Sherman nặng 33,4 tấn và khá "thân thiện" về mặt hậu cần, nó dễ dàng được vận chuyển đến các bãi biển của Pháp và đủ nhẹ để vượt qua những cầu nổi mà xe tăng hạng nặng không thể.
Dễ sửa chữa và phục hồi
M4 Sherman cũng dễ sửa chữa và phục hồi. Trong trận chiến, xe tăng bị vô hiệu hóa không có nghĩa là bị phá hủy hoàn toàn. Chúng vẫn có thể được đưa về hậu phương và sửa chữa. Khả năng phục hồi và trở lại chiến đấu là một trong những yếu tố đã được xem xét khi thiết kế. M4 Sherman được xem là xuất sắc trong việc này.
Có thể nâng cấp, cải tiến
Trong khi sai lầm của người Đức là cố gắng tạo ra nhiều thiết kế mới và đắt tiền, M4 Sherman lại được xây dựng trên một nền tảng dễ nâng cấp, có thể cải tiến thành nhiều biến thể. Cùng nền tảng của M4 Sherman có thể tạo ra những mẫu xe bọc thép, xe chống tăng và pháo tự hành.
Có tổng cộng 7 biến thể của mẫu xe tăng hạng trung này, gồm M4, M4 A1, M4 A2, M4 A3, M4 A4, M4 A5 và M4 A6. Điều này rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất. Chiếc xe có thể dễ dàng thay đổi bánh răng, dễ nâng cấp họng súng, tăng giáp và nhiều trang bị khác.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhiều chiếc Sherman vẫn phục vụ tại quân đội Mỹ và tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Đến thập niên 1950, chúng dần lạc hậu được quân đội Mỹ thay thế bằng mẫu xe tăng M48 Patton. Tuy nhiên, chúng vẫn được sản xuất và xuất khẩu sang các nước khác đến những năm 1970.