Vì sao mắc bệnh đái tháo đường phải thăm khám bàn chân thường xuyên?

Tôi bệnh đái tháo đường 7 năm, bác sĩ khuyên khám bàn chân thường xuyên vì biến chứng có thể gây lở loét nhưng không đau. Điều này có cần thiết không và biến chứng này có nguy hiểm không bác sĩ? Vì sao lại có tình trạng này thưa bác sĩ?

Tôi bệnh đái tháo đường 7 năm, bác sĩ khuyên khám bàn chân thường xuyên vì biến chứng có thể gây lở loét nhưng không đau. Điều này có cần thiết không và biến chứng này có nguy hiểm không bác sĩ? Vì sao lại có tình trạng này thưa bác sĩ?

(Bà Kim, 66 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ)

Bác sĩ trả lời:

Chào bà Kim!

Tình trạng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những biến chứng mạn tính phổ biến và rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Việc bà khám bàn chân thường xuyên là hoàn toàn cần thiết và vô cùng quan trọng vì những lý do sau:

- Biến chứng thần kinh: ĐTĐ có thể gây ra tổn thương thần kinh, làm giảm cảm giác ở bàn chân. Ban đầu, bà có thể cảm nhận cảm giác nóng rát, châm chích, hoặc như bị điện giật. Tuy nhiên, theo thời gian, các cảm giác này có thể giảm đi và bà có thể không cảm nhận được các vết thương nhỏ, chai hoặc loét, dẫn đến việc chậm trễ trong việc điều trị. Nếu không phát hiện sớm, vết thương có thể nặng hơn và gây nhiễm trùng.

- Biến chứng mạch máu: ĐTĐ cũng có thể gây hẹp hoặc tắc các mạch máu nuôi dưỡng bàn chân, dẫn đến tình trạng thiếu máu ở vùng này. Điều này có thể làm cho vết thương khó lành và nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn đến đau cách hồi hoặc hoại tử bàn chân.

- Biến chứng nhiễm trùng: Nhiễm trùng là một yếu tố nguy hiểm có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, thậm chí phải đoạn chi. Nhiễm trùng có thể bắt đầu từ các vết chai, vết nứt da, bọng nước hoặc do việc chăm sóc không đúng cách (như cắt khóe móng chân).

Đối với bệnh nhân ĐTĐ chưa có biến chứng, bà có thể tự quan sát và chăm sóc bàn chân tại nhà. Tuy nhiên, nếu đã có biến chứng hoặc giảm cảm giác bảo vệ, bà cần được hướng dẫn cách chăm sóc bàn chân đúng cách và thăm khám bàn chân mỗi lần đến khám định kỳ.

Vì vậy, việc kiểm tra bàn chân thường xuyên không chỉ giúp phát hiện sớm các vết thương hoặc biến chứng, mà còn giúp điều trị kịp thời và ngăn ngừa tình trạng nghiêm trọng hơn. Bà nên tuân thủ lời khuyên của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe bàn chân và giảm nguy cơ biến chứng do bệnh ĐTĐ.

Chúc bà sức khỏe và luôn có đôi bàn chân khỏe mạnh!

BS CKI Đào Văn Tùng,

Chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202505/vi-sao-mac-benh-dai-thao-duong-phai-tham-kham-ban-chan-thuong-xuyen-8537816/