Vì sao Masan định giá chuỗi trà sữa Phúc Long 75 triệu USD?
Đại diện Masan giải thích nếu mở thành công 1.000 Kiosk sẽ giúp Phúc Long nhân 3 quy mô doanh thu và lợi nhuận hiện tại, do đó định giá chuỗi trà sữa này gấp 50 lần lãi sau thuế.
Ngày 24/5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) cho biết Công ty TNHH The Sherpa - một công ty thành viên của tập đoàn - đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% vốn tại Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage - chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Thương vụ trên có giá trị 15 triệu USD, tương đương với việc Masan định giá chủ chuỗi trà sữa Phúc Long vào khoảng 75 triệu USD, khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.
Trao đổi với Zing, đại diện Masan cho biết mức định giá trung bình cho các doanh nghiệp trong ngành hiện gấp khoảng 25-30 lần lợi nhuận sau thuế, nhưng với Phúc Long là gấp 50 lần. Phía Masan thấy được giá trị gia tăng vượt trội từ việc nhân rộng mô hình Kiosk Phúc Long tại VinMart+.
“Kết quả thử nghiệm cho thấy doanh thu của 8 Kiosk Phúc Long tại VinMart+ sẽ bằng một cửa hàng Phúc Long, do vậy việc mở thành công 1.000 Kiosk sẽ giúp Phúc Long nhân 3 quy mô doanh thu và lợi nhuận hiện tại. Đó là lý do vì sao Masan trả mức định giá Phúc Long gấp 50 lần so với lợi nhuận sau thuế chuỗi này năm 2020", phía Masan cho hay.
Theo đó, mục tiêu của Masan trong 18-24 tháng tới là mở 1.000 Kiosk Phúc Long, hợp tác này sẽ góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại. Chuỗi bán lẻ F&B được kỳ vọng đóng góp 500 triệu USD doanh thu vào năm 2025.
Đối với việc The Sherpa chứ không phải The CrownX - hạt nhân trong chiến lược Point of Life của Masan, là đơn vị mua 20% cổ phần Phúc Long Heritage, đại diện tập đoàn giải thích các định hướng phát triển cho The Sherpa và The CrownX là khác nhau.
Cụ thể, The Sherpa là công ty tập trung cho phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong giai đoạn sơ khởi ban đầu. Trong khi đó, The CrownX là nền tảng cho các mô hình kinh doanh đã ổn định, sẵn sàng mở rộng quy mô và tăng tốc.
“Dù được vận hành ở công ty nào, các mô hình kinh doanh của Masan đều tập trung phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, hướng đến mục tiêu tiếp cận 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam”, đại diện Masan nói với Zing.
Masan cũng nhận định rằng tỷ lệ 20% là phù hợp cho giai đoạn đầu của hợp tác với Phúc Long. Tập đoàn này sẽ cân nhắc gia tăng tỷ lệ sở hữu này trong tương lai khi mô hình phát triển hơn.
Chuỗi Phúc Long được thành lập năm 1968 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng hiện là một trong những chuỗi trà và cà phê lớn nhất thị trường trong nước. Thương hiệu này sở hữu khoảng 80 cửa hàng trên cả nước, tập trung chính tại TP HCM và Hà Nội.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố năm 2019, chuỗi trà và cà phê này ghi nhận 779 tỷ đồng doanh thu, tăng 65% so với năm 2018. Các năm trước đó, tăng trưởng doanh thu của chuỗi cũng đều ở mức hai chữ số, lần lượt đạt 39% và 25% vào cả năm 2018 và 2017.
Nếu so với các chuỗi cà phê lớn trên thị trường hiện nay, Phúc Long chỉ xếp sau Highlands Coffee về mặt doanh thu (doanh thu Highlands Coffee đạt 2.199 tỷ năm 2019) và tương đương Starbucks (783 tỷ) hay The Coffee House (863 tỷ).
Tuy vậy, tương tự nhiều chuỗi trà và cà phê trên thị trường, thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận sau thuế của chuỗi Phúc Long chỉ đạt vài tỷ đồng/năm. Năm 2019, chuỗi này chỉ ghi nhận 20 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi các năm trước đó con số chỉ dao động trong khoảng 2-4 tỷ đồng.