Vì sao miền Bắc vào mùa lũ nhưng lượng nước về hồ thủy điện vẫn rất thấp?

Sáng 20.6, lượng nước đổ về các hồ thủy điện dao động nhẹ so với hôm qua, khiến mực nước hồ chứa vẫn lên rất chậm.

Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) ngày 20.6 cho biết hiện khu vực Bắc Bộ đã vào mùa lũ nhưng lưu lượng nước về các hồ chứa vẫn thấp khiến mực nước trong hồ lên chậm, các nhà máy thủy điện vẫn phải phát điện cầm chừng.

Theo đánh giá của Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, ngày 20.6 lượng nước về các hồ chứa thủy điện thấp. Trong đó, khu vực Bắc Bộ lượng nước về ổn định; Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với hôm qua.

Lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện thấp, dự báo lượng nước về các hồ trong thời gian tới chưa cao. Các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.

Một số hồ xấp xỉ mực nước chết gồm Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3. Một số hồ mực nước thấp gồm Thác Mơ, Hủa Na. Một số nhà máy thủy điện phát điện cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp gồm Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Hủa Na, Thác Mơ, Đồng Nai 3.

Khu vực Bắc Bộ đã vào mùa lũ, tuy nhiên lưu lượng về các hồ chứa thấp. Mực nước hồ tăng chậm nên phải phát điện cầm chừng. Cụ thể, tại miền Bắc, hồ Thác Bà xấp xỉ mực nước chết (mực nước hồ/mực nước chết): 46,55m/46m, hồ Lai Châu 280,68m/265m, hồ Sơn La 179,04m/175m, hồ Hòa Bình 102,78m/80m (quy định mực nước tối thiểu là 81,9m), hồ Tuyên Quang: 96,39m/90m (quy định tối thiểu 90,7m), hồ Bản Chát 438,23m/431m.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, hồ Trung Sơn: 154,66m/150m (quy định tối thiểu 150,7m), hồ Bản Vẽ: 157,15m/155m (quy định tối thiểu 169,7m đến 174m), hồ Hủa Na: 219,97m/215m (quy định tối thiểu 219,5m), hồ Bình Điền: 65,44m/53m (quy định tối thiểu 65,8 - 67,9m), hồ Hương Điền: 50,5m/46m (quy định tối thiểu 49,1 - 50,4m).

Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24 giờ tới các hồ khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ dao động nhẹ, ở mức thấp.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, những ngày qua mưa xảy ra trên diện rộng ở miền Bắc. Mưa đúng vào thời gian mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện đang rất thấp. Nhiều sông suối miền Bắc cũng đang thiếu hụt nước so với trung bình nhiều năm.

Với vùng mưa tập trung ở thượng nguồn các hệ thống sông miền Bắc, đợt mưa này sẽ giúp các hồ chứa lớn ở Bắc Bộ như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà được bổ sung một lượng nước. Dự báo, lượng trung bình đến các hồ chứa lớn trên sông Đà sẽ tăng nhẹ.

Chuyên gia về khí hậu, TS Nguyễn Đức Huy cho biết, tin tốt cho các hồ thủy điện phía Bắc là tháng 7 cũng có nhiều mưa ở vùng này, tình trạng thiếu nước phát điện có thể được cải thiện, dù lượng mưa trong tháng 6 và 7 được tăng cường (thực tế giai đoạn này là mùa mưa ở miền Bắc) thì lượng nước bổ sung vào hồ chứa cũng không được như mọi năm do lượng nước tích trữ tại các hồ chứa không còn.

Giai đoạn này là giai đoạn mưa bù nước và thủy điện vẫn thiếu nước để phát điện trong mùa hè, chưa nói đến việc tích trữ nước để phát điện trong mùa khô (giai đoạn thu - đông 2023). Trong các năm khác, những cơn bão sớm thường di chuyển theo hướng bắc - tây bắc về phía biên giới Việt Nam - Trung Quốc và gây mưa hoàn lưu bão ở vùng núi phía bắc. Nhưng năm nay chưa thấy có cơn bão nào gây mưa hoàn lưu như vậy. Chỉ có mưa hoàn lưu bão thì mới có lượng nước lớn và trên diện rộng.

Để kết thúc "cơn khát" của các hồ thủy điện, theo TS Nguyễn Đức Huy, buộc phải mong chờ sự xuất hiện của mưa hoàn lưu bão - những cơn mưa đặc trưng của mùa mưa bão. Khi đó tình trạng khó khăn về nguồn nước phát điện mới được giải quyết cơ bản.

Trong khi đó, số liệu cập nhật sáng 19.6 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy ngày 18.6 phụ tải toàn hệ thống điện giảm so với ngày 17.6, đạt khoảng 722,9 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 361,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 73,6 triệu kWh, miền Nam khoảng 278,2 triệu kWh.

Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) quốc gia đạt đỉnh vào lúc 14 giờ 30 ở mức 32.682 MW. Trong đó tại miền Bắc/miền Trung/miền Nam lần lượt là: 16.970,1 MW lúc 0 giờ 30; 3.954,6 MW lúc 13 giờ; 12.973 MW lúc 15 giờ.

Như vậy, phụ tải và công suất đỉnh miền Bắc và miền Nam giảm, trong khi miền Trung tăng. Trong ngày 18.6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 110,6 triệu kWh (trong đó miền Bắc huy động là 40,9 triệu kWh) giảm sâu so với ngày 17.6; nhiệt điện than huy động 423,4 triệu kWh (miền Bắc 267,3 triệu kWh); tua bin khí huy động 74,2 triệu kWh. Không phải huy động nguồn điện dầu. Nguồn điện năng lượng tái tạo nối lưới đạt 70,6 triệu kWh.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-mien-bac-vao-mua-lu-nhung-luong-nuoc-ve-ho-thuy-dien-van-rat-thap-201349.html