Dưới thời phong kiến, các ngôi mộ của thương nhân, quý tộc và hoàng tộc thường tùy táng cùng với nhiều vàng bạc, châu báu... Do đó, những mộ cổ này trở thành mục tiêu của những kẻ trộm mộ.
Vì muốn giàu lên một cách nhanh chóng, những tên trộm mộ thường gây án vào ban đêm. Chúng lợi dụng đêm tối hoặc những ngôi mộ ở vị trí vắng vẻ để đào mộ, đánh cắp đồ tùy táng giá trị.
Trong quá trình đó, một số tên trộm bỏ mạng trong ngôi mộ vì nhiều nguyên nhân. Trong số này có việc bên trong mộ cổ có thể có chứa khí độc chết người.
Theo các nhà nghiên cứu, những ngôi mộ nằm sâu trong lòng đất có thể nằm trong khu đất có chứa những chất độc hại như chu sa (tức khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ).
Trải qua nhiều năm, những khoáng chất này có thể trở thành khí độc. Khi đột nhập vào bên trong mộ phần, kẻ trộm mộ có thể hít phải khí độc và tử vong ngay tại đó.
Ngoài ra, khí độc trong mộ có thể xuất phát từ những món đồ tùy táng cùng với thi hài người quá cố. Nguồn gốc của khí độc có thể đến từ thức ăn, trang phục... thậm chí là mùi tử khí.
Một nguyên nhân khác khiến trộm mộ mất mạng trong lúc gây án có thể là do rơi vào cạm bẫy. Những cạm bẫy này được thiết kế để bảo vệ thi hài người quá cố cùng các đồ tùy táng giá trị khỏi sự dòm ngó của mộ tặc.
Những cạm bẫy đó thường là bẫy cát lún, cung tên, thủy ngân... Trong số này, nếu kẻ trộm bước chân vào bẫy cát lún thì sẽ bị tụt xuống hố cát trong mộ và khó có thể thoát thân.
Tương tự như vậy, khi kẻ trộm đột nhập vào mộ và vô tình kích hoạt bẫy cung tên thì có thể đối mặt với cái chết đau đớn. Nguyên do là bởi hàng loạt mũi tên có thể phóng về phía kẻ trộm mộ khiến chúng bỏ mạng.
Ngoài ra, một số ngôi mộ được người xưa bố trí thủy ngân có độc tính cực mạnh, dễ bay hơi. Nếu kẻ trộm tiếp xúc với ngôi mộ có lượng thủy ngân cao thì khó có thể toàn mạng trở ra cùng với các đồ tùy táng.
Mời độc giả xem video: Vụ bí thư xã giết người, đốt xe: Nghi phạm từng đi trộm mộ mượn xác. Nguồn: THDT.
Tâm Anh (TH)