Vì sao Mỹ can thiệp vào Trung Đông?
Dù liên tục cam kết rút lui, Mỹ vẫn bị 'kéo trở lại' Trung Đông hết lần này đến lần khác.
Bất chấp những tuyên bố rút quân, chấm dứt “những cuộc chiến bất tận” hay chuyển trục chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương, các đời tổng thống Mỹ đều lần lượt quay trở lại khu vực đầy bất ổn này. Sự lặp lại liên tục của vòng xoáy rút lui – trở lại đặt ra câu hỏi: vì sao Trung Đông vẫn là nơi mà nước Mỹ không thể dứt ra?
Để lý giải điều đó, cần nhìn lại hai yếu tố cốt lõi: Một là sự hiện diện lâu dài mang tính lịch sử và chiến lược của Mỹ tại Trung Đông; hai là cách các chính quyền Mỹ - đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump - không thể thoát khỏi logic can thiệp quân sự, dù xuất phát từ quan điểm chống can thiệp ban đầu.
Sự hiện diện lâu đời
Sự hiện diện quân sự và chính trị của Mỹ tại Trung Đông không phải là một hiện tượng mới mà đã trở thành một phần ăn sâu trong chiến lược toàn cầu của Washington kể từ sau Thế chiến II. Kể từ cuộc gặp mang tính biểu tượng giữa Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Quốc vương Ibn Saud của Ả Rập Saudi năm 1945, Mỹ đã đặt nền móng cho mối quan hệ chiến lược với các nước vùng Vịnh, dựa trên trụ cột chính là năng lượng.
Suốt nhiều thập niên sau đó, chính sách can dự của Mỹ tại Trung Đông được củng cố bởi cái gọi là “Học thuyết Carter” – cam kết sử dụng vũ lực nếu cần để bảo vệ nguồn cung năng lượng tại vùng Vịnh khỏi bị kiểm soát bởi các thế lực thù địch. Với vai trò là quốc gia bảo vệ trật tự toàn cầu hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tại khu vực, thiết lập căn cứ quân sự tại các nước như Qatar, Bahrain, Kuwait và duy trì hạm đội 5 ở vùng Vịnh Ba Tư.

Mỹ đã can thiệp vào Trung Đông trong thời gian dài. (Ảnh: Getty)
Một lý do chính khiến Mỹ không thể rút khỏi Trung Đông là vì khu vực này liên tục xảy ra khủng hoảng, và Mỹ – với vai trò siêu cường – thường bị cuốn vào như một “nghĩa vụ chiến lược”.
Emily Harding, cựu nhà phân tích CIA, hiện công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Trung Đông vẫn là khu vực có ý nghĩa chiến lược lâu dài với Mỹ, nhưng nó lại chưa bao giờ thực sự ổn định. Vì thế, Mỹ sẽ tiếp tục bị lôi kéo cho đến khi khu vực này đạt được một trạng thái ổn định nào đó.”
Tuy nhiên, sự can thiệp của Mỹ cũng để lại nhiều hệ quả dài hạn. Hai sự kiện được các chuyên gia chính sách đối ngoại đánh giá là “tội lỗi lịch sử” của Mỹ là: thất bại trong việc giải quyết xung đột Israel – Palestine vào thập niên 1990, và cuộc tấn công Iraq năm 2003. Những sai lầm này không chỉ gây tổn thất to lớn về nhân lực và tài chính mà còn tạo ra các lỗ hổng an ninh, góp phần làm trỗi dậy các nhóm cực đoan như Al-Qaeda và IS.
Đến nay, Mỹ vẫn giữ vai trò là siêu cường quân sự bên ngoài lớn nhất ở Trung Đông, với hơn 40.000 binh sĩ đồn trú thường trực. Khi các cuộc khủng hoảng bùng phát, chẳng hạn như khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công tàu hàng quốc tế trên Biển Đỏ, Mỹ gần như luôn là quốc gia đứng đầu phản ứng quốc tế.
Sự hiện diện này, dù được một số nhà hoạch định chính sách xem là cần thiết để duy trì ổn định, cũng bị chỉ trích là góp phần làm kéo dài xung đột và nuôi dưỡng các liên minh phụ thuộc vào sức mạnh quân sự Mỹ.
Vì sao Trung Đông quan trọng với Mỹ?
Tầm quan trọng của Trung Đông không chỉ nằm ở chính trị mà còn ở kinh tế. Khu vực này chứa đựng hai trong số những tuyến đường huyết mạch của thương mại và năng lượng toàn cầu: eo biển Hormuz, nơi 20% lượng dầu mỏ thế giới đi qua và Biển Đỏ, vốn chiếm khoảng 12% dòng chảy thương mại toàn cầu trước khi bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi.
Dù hiện nay Mỹ không còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ Trung Đông nhờ tự chủ năng lượng, nhưng bất kỳ biến động nào ở đây đều có thể khiến giá năng lượng toàn cầu leo thang, gây ảnh hưởng lan rộng.
Ngoài ra, Mỹ cũng nhận ra rằng các vấn đề của Trung Đông không dừng lại trong phạm vi khu vực. Từ vụ khủng bố 11/9 đến cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria, hệ lụy từ các cuộc xung đột dễ dàng lan sang châu Âu và Mỹ.

Israel là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại Trung Đông. (Ảnh: Getty)
Bên cạnh lợi ích kinh tế, một yếu tố then chốt khiến Mỹ gắn bó sâu sắc với Trung Đông là quan hệ đồng minh chiến lược với Israel – quốc gia được Mỹ hỗ trợ quân sự và ngoại giao mạnh mẽ nhất trong khu vực. Từ những nỗ lực hòa giải trong xung đột Israel – Palestine đến vai trò trung gian trong các hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, Mỹ luôn giữ vị thế đặc biệt tại khu vực.
Kể từ khi Anh rút phần lớn lực lượng khỏi “phía Đông kênh đào Suez” những năm 1960, Mỹ đã trở thành cường quốc quân sự chính tại Trung Đông. Với hơn 40.000 binh sĩ đồn trú và quan hệ đối tác an ninh – chính trị mật thiết với nhiều quốc gia trong khu vực, Mỹ là thế lực bên ngoài duy nhất có đủ khả năng và ảnh hưởng để can thiệp nhanh chóng khi có khủng hoảng.
Khi các tàu thương mại bị Houthi tấn công trên Biển Đỏ, không có nước nào ngoài Mỹ đứng ra dẫn dắt phản ứng. Điều này khiến một bộ phận giới chính trị Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập như Phó Tổng thống J.D. Vance cảm thấy khó chịu, nhưng thực tế là không có lựa chọn thay thế.
Các Tổng thống Mỹ muốn gì?
Trên thực tế, các đời tổng thống Mỹ – từ thời Barack Obama, Joe Biden đến Tổng thống đương nhiệm Donald Trump – đều từng cam kết “xoay trục” khỏi Trung Đông để tập trung vào thách thức lớn hơn như Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại hoặc bị gián đoạn bởi những biến động ngoài dự liệu.
Trước đây, ông Barack Obama từng thắng cử với quan điểm phản đối cuộc chiến Iraq. Khi ấy, ông tuyên bố “xoay trục sang châu Á”, nhưng làn sóng Mùa xuân Ả Rập và sự trỗi dậy của IS đã phá vỡ kế hoạch. Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan, rồi chỉ vài ngày sau đó bị tấn công khủng bố và buộc phải điều động quân đội trở lại Trung Đông.
Trong khi đó, với ông Trump dù từng tuyên bố "đi vào Trung Đông là quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ", nay lại điều quân, điều tên lửa và ra lệnh không kích ở khu vực này nhiều hơn bao giờ hết.
Khi cuộc xung đột ở Trung Đông “nóng lên”, Tổng thống Donald Trump – người từng chỉ trích mạnh mẽ các cuộc chiến ở Trung Đông và cam kết sẽ chấm dứt “những cuộc chiến bất tận” – nay lại trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên ra lệnh sử dụng vũ lực trực tiếp trên lãnh thổ Iran, đối thủ lâu đời của Washington. Dù hai bên đã tuyên bố ngừng bắn, nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng chỉ mới bắt đầu, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng chương trình hạt nhân của Iran vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Michael Rubin, chuyên gia Trung Đông tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho rằng người Mỹ có xu hướng nhìn thế giới qua chu kỳ bốn năm. Nhưng các lãnh đạo Trung Đông – vốn tại vị hàng chục năm – lại nhìn cuộc chơi dài hơi hơn nhiều.
Vì thế, dù Washington có muốn rút khỏi Trung Đông đến đâu, các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn – một phần do chính sách can thiệp trong quá khứ của Mỹ, và phần còn lại do vị trí địa chiến lược, vai trò kinh tế – quân sự và những mối quan hệ khó dứt. Trung Đông, vì vậy, vẫn sẽ là một ván cờ mà nước Mỹ chưa thể rời bỏ trong tương lai gần.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-my-can-thiep-vao-trung-dong-ar952381.html