Vì sao Mỹ rút khỏi UNESCO?

Việc Mỹ rút khỏi UNESCO phù hợp với chính sách đối ngoại 'Nước Mỹ trên hết', đồng thời Mỹ cho rằng UNESCO ủng hộ các 'chủ trương văn hóa - xã hội gây chia rẽ'.

Chính quyền Trump vào ngày 22/7 tuyên bố, Mỹ sẽ một lần nữa rút khỏi UNESCO - tổ chức văn hóa của Liên hợp quốc chuyên bảo tồn các di sản thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Việc rút lui lần này sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2026.

Việc Mỹ ngừng tài trợ và tham gia UNESCO không phải là điều bất ngờ, nhất là trong bối cảnh chính quyền Trump trước đó đã cắt quan hệ với nhiều cơ quan quốc tế khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và rút khỏi các hiệp định toàn cầu như Thỏa thuận khí hậu Paris.

Tổng thống Trump từng rút Mỹ khỏi UNESCO trong nhiệm kỳ đầu, cho rằng sự tham gia này không phục vụ lợi ích quốc gia và cáo buộc tổ chức này cổ súy các quan điểm chống Israel. Chính quyền Biden đã đưa Mỹ tái gia nhập vào năm 2023 với lập luận rằng, sự vắng mặt của Mỹ đã tạo cơ hội cho các đối thủ chiến lược khác gia tăng ảnh hưởng trong việc thiết lập các chuẩn mực toàn cầu do UNESCO dẫn dắt.

Lý do Mỹ rút khỏi UNESCO?

Động thái này phù hợp với chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Trump, bao gồm sự hoài nghi sâu sắc đối với các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và liên minh NATO.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết, quyết định rút lui xuất phát từ việc Mỹ cho rằng UNESCO ủng hộ các “chủ trương văn hóa - xã hội gây chia rẽ”, nhấn mạnh rằng sự tập trung của tổ chức này vào các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc phản ánh “một nghị trình toàn cầu hóa mang tính ý thức hệ, đối lập với chính sách đối ngoại đặt nước Mỹ lên trên hết”.

Bà cũng nêu rõ, quyết định của UNESCO vào năm 2011 về việc công nhận "Nhà nước Palestine" là thành viên chính thức đã đi ngược chính sách đối ngoại của Mỹ và làm gia tăng các phát ngôn chống Israel trong tổ chức này.

Lá cờ Mỹ tung bay bên ngoài trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris, Pháp.

Lá cờ Mỹ tung bay bên ngoài trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris, Pháp.

UNESCO là gì?

UNESCO được thành lập sau Thế chiến II nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác quốc tế. Hiện có gần 200 quốc gia là thành viên cùng 12 thành viên liên kết. Tổ chức này nổi tiếng nhất với chương trình di sản thế giới, công nhận 1.248 địa danh tại 170 quốc gia - từ Taj Mahal, Kim tự tháp Giza đến Nhà thờ Đức Bà Paris - là những địa điểm cần được bảo tồn cho nhân loại.

Trang web của UNESCO viết: “Di sản thế giới thuộc về tất cả các dân tộc trên thế giới, bất kể chúng nằm ở đâu”.

Tuy nhiên, tuyên ngôn này lại trái ngược với quan điểm "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Trump. Vào tháng 7, ông Trump ký sắc lệnh tăng phí vào cửa cho du khách quốc tế tại các công viên quốc gia, nhiều nơi trong số đó là di sản thế giới được UNESCO công nhận. “Công viên quốc gia là của nước Mỹ trước tiên”, ông Trump nói tại một buổi vận động.

Ngoài bảo tồn di sản, UNESCO còn đặt mục tiêu xây dựng chuẩn mực toàn cầu, phát triển công cụ và tri thức để giải quyết những thách thức lớn nhất của thời đại: từ bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển giáo dục chất lượng đến phản ứng với trí tuệ nhân tạo và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đáng tin cậy.

Việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ ảnh hưởng ra sao?

Quyết định rút lui của Mỹ dự kiến sẽ gây tác động cả về tài chính lẫn biểu tượng đối với UNESCO. Là một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất cho tổ chức, sự rút lui của Mỹ có thể buộc UNESCO phải cắt giảm hoặc điều chỉnh các chương trình bảo tồn di sản.

Nhiều quan chức Mỹ trước đây đã cảnh báo rằng, việc giảm hiện diện tại UNESCO có thể khiến các đối thủ chiến lược - đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo - gia tăng ảnh hưởng trong việc thiết lập các chuẩn mực toàn cầu.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về quyết định rút lui của Mỹ, song cho biết tổ chức đã “lường trước” tình huống này.

“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã thực hiện cải cách cơ cấu quy mô lớn và đa dạng hóa nguồn tài trợ”, bà cho biết. “Nhờ những nỗ lực từ năm 2018, sự sụt giảm trong đóng góp tài chính từ phía Mỹ đã được bù đắp phần nào. Hiện tại, Mỹ chỉ chiếm 8% ngân sách UNESCO so với 40% của một số cơ quan Liên hợp quốc, trong khi tổng ngân sách của UNESCO vẫn tiếp tục tăng đều”.

Hà Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vi-sao-my-rut-khoi-unesco-348503.htm