Vì sao Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam?
Ông Benjamin Petlock, Tùy viên Nông nghiệp cấp cao Mỹ tại TP.HCM, cho biết việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành nông sản của Việt Nam và Mỹ.
Trong bốn tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 4,9 tỷ USD. Thị trường Mỹ cũng đứng đầu trong thị phần xuất khẩu của nông sản Việt - với 27,3%, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo ông Petlock, hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Mỹ đã có bước tiến vượt bậc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Việt Nam từ chỗ đứng thứ 95 trong các đối tác xuất khẩu của Mỹ, nay đã trở thành thị trường xuất khẩu thứ 8.
Các chuyên gia nông nghiệp cho biết với sự tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiếp cận các loại nông sản, trái cây chất lượng cũng tăng lên. Ông Petlock nói Mỹ đã dần nhận thức mạnh mẽ và đánh giá cao các loại nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cây.
Trong bối cảnh nông nghiệp toàn cầu gặp nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, giá cả leo thang do gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột Nga - Ukraine, ông Petlock cho rằng việc mở rộng quảng bá các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm du lịch phục hồi sẽ tạo thêm cơ hội để nông sản Việt Nam có thể tiếp cận sâu rộng hơn nữa vào thị trường Mỹ và ngược lại.
Bước tiến vượt bậc
Việt Nam là thị trường nhập khẩu bông và gỗ lớn thứ hai của Mỹ - điều đó giúp Việt Nam phát triển ngành nội thất và dệt may. Ở chiều ngược lại, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 chiếm 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ.
Giai đoạn gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cùng các nhà cung cấp và hiệp hội thương mại nước này triển khai chiến dịch "United Tastes" - nền tảng kết nối các sản phẩm nông nghiệp Mỹ đến người tiêu dùng tại Việt Nam.
"Đây là một cách chúng tôi quảng bá sản phẩm đến từ Mỹ, những công thức mới, hay nền ẩm thực nước nhà đến người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy khách hàng Việt Nam là một trong những nhóm người tiêu dùng thông thái nhất ở lĩnh vực thực phẩm", ông Petlock nói.
Theo đó, một chiến lược tiếp thị và giữ quan hệ tốt với các đối tác hiểu rõ thị trường sẽ phát huy hiệu quả các hoạt động truyền thông.
Vượt qua những thách thức
Một trong những yếu tố giúp các loại nông sản của quốc gia nổi bật tại các thị trường tiềm năng nằm ở việc xây dựng thương hiệu, trong bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn khác trong cùng phân khúc sản phẩm. “Bản thân chúng tôi cũng phải cạnh tranh với Australia hay Canada tại thị trường Việt Nam, do đó chúng tôi phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình", ông Petlock nói.
Tương tự, ông cho biết một chiến dịch tiếp thị chứng tỏ chất lượng của sản phẩm Việt, hay những điểm nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường Mỹ sẽ thu hút mọi người quan tâm. Qua đó, cơ hội tăng thị phần của ngành nông nghiệp Việt Nam tại Mỹ sẽ mở ra.
"Người Mỹ rất thích thử những loại thực phẩm mới. Ở Mỹ cũng có rất nhiều nhà hàng Việt Nam, do đó việc quảng bá những món ăn mới qua những kênh như vậy cũng là một hướng đi tốt", ông Petlock nói.
Hiện nay, giá cả trong ngành nông nghiệp nói riêng tăng cao do áp lực của giá xăng dầu và chuỗi cung ứng. Trước sức ép về giá, ông Petlock cho rằng việc mở rộng các hành lang thương mại tự do là giải pháp tối ưu. Khi đó, người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với mức giá rẻ hơn khi không chịu áp lực về thuế và các yếu tố khác.
Ngoài ra, trong dài hạn, các giải pháp về phát triển mô hình “nông nghiệp thông minh”, với việc áp dụng công nghệ vào trong nông nghiệp cũng được hai nước thảo luận, nhằm tìm ra giải pháp nâng cao năng suất nông nghiệp, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cơ hội hợp tác Việt Nam - Mỹ về ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp cũng được thúc đẩy thông qua tuyên bố của các bên tại hội nghị COP26.
“Trong quá khứ, Việt Nam và Mỹ đã cùng làm việc để phát triển các loại thức ăn chăn nuôi mà có thể giảm việc phát thải khí methane. Bộ Nông nghiệp hai nước cũng đang thảo luận cách triển khai công nghệ, chẳng hạn mô hình nông nghiệp thông minh”, ông Petlock nói với Zing.
Với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ lên đến 11,9 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 27,5% thị phần trong tổng giá trị hàng nông sản của Việt Nam, Mỹ là thị trường tiềm năng để nông sản Việt Nam xuất khẩu bền vững.
Những mặt hàng tiềm năng
Bên cạnh các loại nông sản hai nước đã và đang xuất khẩu, ông Petlock nói rằng hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các loại hoa quả - đặc biệt là vú sữa, thanh long và xoài - tại Mỹ tăng cao, do đó đây là cơ hội để có thêm nhiều loại trái cây Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ vẫn còn thấp dù những sản phẩm này được người tiêu dùng ở đây ưa chuộng. Điều này cho thấy dư địa của mặt hàng nông sản sang thị trường Mỹ còn rất lớn.
Ở chiều ngược lại, ông Francis Lee Kim, đại diện Hiệp hội Sữa bang California, cho biết có sáu loại trái cây - gồm táo, cherry, việt quất, nho, cam và lê - là thế mạnh của Mỹ và muốn xuất khẩu thêm nữa vào thị trường Việt Nam.
Ông Petlock chia sẻ mình cũng thích các sản phẩm cà phê Việt Nam, đặc biệt là cà phê Arabica. "Tôi luôn cần chút cà phê để tỉnh táo vào mỗi sáng".
Trong khi đó, bà Đặng Thị Đông Phương, đại diện Hiệp hội Khoai tây Mỹ, cho biết trong tương lai, một trong những mặt hàng tiềm năng nhất là phô mai Artisan.
"Người Việt bây giờ đã bắt đầu biết thưởng thức loại phô mai này. Bên cạnh châu Âu, Mỹ là quốc gia sản xuất lớn, có danh tiếng trên thị trường quốc tế, và Việt Nam sẽ là một thị trường tiềm năng trong tương lai để xuất khẩu loại phô mai này", bà cho biết.