Vì sao Nam Á trở thành điểm nóng ô nhiễm toàn cầu?
Hãng Reuters nêu ra một số nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm ở Nam Á đặc biệt nghiêm trọng hơn các khu vực khác.
Ô nhiễm không khí mức độc hại đang làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người dân Nam Á, buộc trường học phải đóng cửa, ảnh hưởng đến hàng loạt sự kiện thể thao và khiến các chính phủ kêu gọi người dân tránh ra đường để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đáng chú ý là tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng này lại trở thành vấn đề thường niên với khu vực mỗi khi mùa đông đến gần, không khí lạnh giữ lại lớp bụi tạo nên sương mù dày đặc.
Theo nhiều nghiên cứu, 4 trong số những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới cùng 9 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất đều ở Nam Á.
Vì sao ô nhiễm ở Nam Á nghiêm trọng hơn?
Hai thập kỷ qua, các nước Nam Á trải qua quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế lẫn tăng dân số mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu năng lượng và nhiên liệu hóa thạch tăng theo. Ngoài nguồn phát thải thông thường như các khu vực khác như hoạt động công nghiệp hay phương tiện giao thông, Nam Á còn có phát thải từ đốt nhiên liệu rắn để nấu ăn và sưởi ấm, hỏa táng, đốt chất thải nông nghiệp. Ví dụ khoảng 38% ô nhiễm tại thành phố New Delhi năm nay là do đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn hai bang Punjab và Haryana lân cận.
Số lượng phương tiện giao thông gia tăng cũng khiến tình hình thêm tồi tệ. Tại Ấn Độ và Pakistan, lượng phương tiện đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu những năm 2000. Dữ liệu chính thức cho thấy New Delhi có 472 phương tiện trên mỗi 1.000 dân, gần 8 triệu phương tiện lưu thông trên đường tính đến năm 2022.
Vì sao nỗ lực giảm ô nhiễm chưa hiệu quả?
Các nước Nam Á đã bắt đầu cố gắng giảm ô nhiễm bằng loạt kế hoạch quản lý chất lượng không khí, lắp đặt thêm thiết bị giám sát ô nhiễm, thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhưng tất cả đều chưa mang lại kết quả đáng kể.
Giới chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các nước thiếu phối hợp. Bụi mịn có thể di chuyển hàng trăm km, vượt qua biên giới quốc gia, tác động đến nhiều nơi chứ không chỉ nơi tạo ra chúng. Chẳng hạn, 30% ô nhiễm ở một số thành phố lớn nhất của Bangladesh bắt nguồn từ Ấn Độ, bụi bay theo gió thổi từ đông bắc sang tây nam.
Như vậy, nếu muốn giải quyết ô nhiễm thì các nước Nam Á cần phối hợp với nhau, hợp tác trong giám sát và đưa ra chính sách. Song song đó biện pháp triển khai trên toàn khu vực cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện từng địa phương. Ngoài ra, họ cần chú ý đến lĩnh vực lâu nay ít được quan tâm chẳng hạn như nông nghiệp và quản lý chất thải.
Ví dụ để hạn chế đốt rơm rạ, chính phủ có thể trợ cấp cho nông dân mua máy móc thu hoạch hiện đại hơn. Một số quốc gia như Ấn Độ đã thực thi chính sách này nhưng nhu cầu còn thấp vì giá cả quá đắt, thời gian chờ để được thuê lại quá dài.