Vì sao NATO không muốn thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine?

Trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 9, NATO không muốn trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này, trong đó có cả việc thiết lập vùng cấm bay.

Phát biểu sau cuộc họp của NATO ngày 4/3 tại Brussels, Bỉ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine không phải là lựa chọn được liên minh xem xét.

“Chúng tôi nhất trí rằng sẽ không có máy bay nào của NATO hoạt động trong không phận Ukraine và không có binh sỹ nào của NATO trên lãnh thổ Ukraine.

Máy bay F-15E Strike Eagles tại căn cứ không quân ở Ba Lan ngày 28/2/2022. Ảnh: Không quân Mỹ

Máy bay F-15E Strike Eagles tại căn cứ không quân ở Ba Lan ngày 28/2/2022. Ảnh: Không quân Mỹ

Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã lên tiếng chỉ trích quyết định của NATO. “NATO đã quyết định không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine”, Tổng thống Zelensky cho biết trong một tuyên bố trên Facebook tối 4/3.

“Chúng tôi tin rằng các nước NATO đã tự nghĩ ra câu chuyện rằng, việc đóng cửa bầu trời Ukraine sẽ kích động sự đối đầu trực tiếp của Nga với NATO. Đây là suy nghĩ của những người yếu đuối, bất an bên trong dù thực tế họ sở hữu vũ khí mạnh hơn chúng tôi gấp nhiều lần”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Mục đích của NATO là gì?

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là liên minh gồm 30 nước Bắc Mỹ và châu Âu. Mục đích của NATO là “đảm bảo tự do và an ninh của các nước thành viên thông qua các giải pháp chính trị và quân sự”.

NATO được thành lập năm 1949, khi Chiến tranh Lạnh bùng phát. Mục đích ban đầu là bảo vệ phương Tây trước các mối đe dọa từ Liên Xô. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây đã gia nhập NATO. Điều này được xem là mối đe dọa đối với Nga.

Là một thành viên NATO có nghĩa là đóng vai trò tích cực trong các cuộc thảo luận hàng ngày về các vấn đề an ninh và phòng thủ tác động tới liên minh. Điều này có thể bao gồm các biện pháp chiến lược, tác chiến không gian mạng, tới việc điều động binh sỹ bên trong các đường biên giới NATO để bảo vệ các thành viên của khối.

Một trong những khía cạnh được biết đến nhiều nhất của NATO là Chương 5 của hiệp ước, theo đó, “một cuộc tấn công vào một đồng minh được xem như cuộc tấn công vào tất cả các nước đồng minh”.

Chương 5 mới chỉ được kích hoạt 1 lần, sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ. Tuy nhiên, NATO có thể thực hiện các biện pháp phòng thủ tập thể mà không cần kích hoạt Chương 5.

Vùng cấm bay là gì?

Vùng cấm bay là khu vực nhất định trong đó máy bay [đối phương] không được phép hoạt động vì bất cứ lý do gì. Trong bối cảnh xung đột, như ở Ukraine hiện nay, điều này có nghĩa là máy bay Nga không được phép bay, ngăn chặn Moscow tiến hành các cuộc không kích ở Ukraine.

NATO đã từng thiết lập các vùng cấm bay ở các nước không phải là thành viên của khối. Tuy nhiên, vấn đề này thường gây tranh cãi vì nó có nghĩa là “tham gia một nửa” vào một cuộc xung đột mà không triển khai đầy đủ lực lượng trên bộ.

Năm 2011, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libya, do NATO thực thi. NATO từng thiết lập vùng cấm bay ở Bosnia từ tháng 4/1993 đến tháng 12/1995. Mỹ và các nước đồng minh cũng thiết lập 2 vùng cấm bay ở Iraq sau chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Thực tế, Mỹ và đồng minh NATO chỉ áp vùng cấm bay ở những nơi họ có ưu thế lớn hơn đối phương. Trường hợp ở Ukraine hoàn toàn khác.

Điều gì xảy ra khi NATO thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine?

Vấn đề với vùng cấm bay quân sự là chúng phải được thực thi bằng sức mạnh quân sự. Nếu máy bay Nga đi vào vùng cấm bay của NATO, các lực lượng NATO sẽ bắn hạ máy bay đó. Nếu điều này xảy ra, theo quan điểm của Nga, sẽ là hành động chiến tranh của NATO và có thể khiến xung đột leo thang.

Ngoài các máy bay chiến đấu, NATO sẽ phải triển khai cả máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay trinh sát điện tử để hỗ trợ sứ mệnh. Để bảo vệ các chiếc máy bay hoạt động tầm cao với tốc độ tương đối chậm, NATO sẽ phải phá hủy các hệ thống tên lửa đất đối không ở Nga và Belarus, và điều này cũng có nguy cơ khiến xung đột lan rộng.

Nói một cách đơn giản, việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine có thể dấy lên xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO với Nga và điều đó có thể leo thang thành một cuộc chiến rộng hơn ở châu Âu giữa liên minh quân sự này với một cường quốc hạt nhân.

Cả Nga và Ukraine đều không phải là thành viên NATO. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin coi việc NATO mở rộng về phía Đông là mối đe dọa đối với Nga.

Do đó, NATO không muốn trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine với một đối thủ là cường quốc hạt nhân. Dù ủng hộ Ukraine và chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga, nhưng NATO không muốn làm bất cứ điều gì có thể khiến Nga coi là hành động chiến tranh và khiến căng thẳng leo thang tới mức có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi hiểu rằng làm vậy có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu. Là các đồng minh NATO, chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn cuộc chiến này leo thang ra ngoài Ukraine”, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh./.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo CNN, AP, Vox

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/vi-sao-nato-khong-muon-thiet-lap-vung-cam-bay-o-ukraine-post928440.vov