Vì sao nên dừng dự án khai thác mỏ đất, cát ở xã Chí Minh (Tứ Kỳ)?

Sau 6 năm có quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh, Dự án khai thác lộ thiên mỏ đất, cát bãi bồi trên sông Thái Bình ở xã Tứ Xuyên (nay là xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) vẫn chưa thể triển khai. Nhà đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Đăng đã đề nghị UBND tỉnh cho phép dừng triển khai dự án.

Khu vực triển khai Dự án khai thác lộ thiên mỏ đất, cát ở xã Chí Minh (Tứ Kỳ)

Khu vực triển khai Dự án khai thác lộ thiên mỏ đất, cát ở xã Chí Minh (Tứ Kỳ)

Giải phóng mặt bằng “xôi đỗ”

Dự án khai thác lộ thiên mỏ đất, cát bãi bồi trên sông Thái Bình có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh ngày 5/2/2018. Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng là 62,47 ha liên quan đến 241 hộ dân ở xã Chí Minh, chủ yếu là đất 03 và đất công điền. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 79,8 tỷ đồng. Dự án khai thác đất, cát (đến cốt -5 m) làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng và làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói trong 4 năm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành văn bản đồng ý UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng 67,27 ha đất trồng lúa để thực hiện dự án từ năm 2019.

Ngày 4/10/2019, UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Đăng được khai thác đất, cát tại xã Tứ Xuyên với diện tích khai thác 624.675 m2, trữ lượng hơn 3,3 triệu m3.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục công trình phục vụ khai thác trong thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, đến hết thời gian hoạt động, dự án vẫn chưa thể triển khai, gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, các quy định về khai thác đất, cát. Ngày 6/5/2022, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án khai thác mỏ đất, cát bãi bồi trên sông Thái Bình.

Theo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tứ Kỳ, đến tháng 6/2024, dự án mới giải phóng mặt bằng được 14,79 ha liên quan đến 144 thửa đất của các hộ dân, chi trả bồi thường số tiền khoảng 45,53 tỷ đồng. Phần đất đã được giải phóng mặt bằng nằm “xôi đỗ”, rải rác xung quanh dự án. Việc giải phóng mặt bằng gặp khó chủ yếu do người dân không đồng thuận với giá đền bù. Doanh nghiệp đã đóng thuế, lệ phí trước bạ khi nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ dân.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết dự án kéo dài nhiều năm nhưng chưa đi vào hoạt động nên một số hộ dân có diện tích đất thu hồi đã chuyển sang trồng cây ăn quả, khai thác rươi, cáy, thậm chí đã chuyển nhượng, mua bán không thông qua chính quyền địa phương. Theo Quy hoạch chung của xã Chí Minh đến năm 2030, khu vực triển khai dự án trở thành vùng nuôi thủy sản kết hợp khai thác đặc sản rươi, cáy. "Mong UBND tỉnh xem xét, sớm có quyết định đối với dự án này để địa phương dễ dàng trong công tác quản lý đối với khu vực thực hiện dự án”, ông Tuấn Anh nói.

Trao đổi với phóng viên vấn đề này, ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết địa phương nhất trí với đề xuất của phía công ty. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có cuộc họp về vấn đề này.

Theo Quy hoạch chung của xã Chí Minh đến năm 2030, khu vực triển khai dự án trở thành vùng nuôi thủy sản kết hợp khai thác sản rươi, cáy

Theo Quy hoạch chung của xã Chí Minh đến năm 2030, khu vực triển khai dự án trở thành vùng nuôi thủy sản kết hợp khai thác sản rươi, cáy

Chuyển hướng phù hợp

Trong đơn đề nghị, Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Đăng cho rằng do trữ lượng khoáng sản được phép khai thác tại khu vực thực hiện dự án giảm sâu, tính hiệu quả không cao nên doanh nghiệp khó khăn khi tiếp tục thực hiện dự án. Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, trong đó có quy định về cao độ đáy khu vực khai thác bãi sông không vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác. Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh vào ngày 28/4/2023 thì mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực mỏ đất, cát sông Thái Bình tại xã Chí Minh là +0,11 m. Như vậy, trữ lượng khai thác khoảng sản được phép tại mỏ đất, cát sông Thái Bình chỉ còn 679.493 m3, giảm 2.717.971 m3 so với trữ lượng được cấp phép khai thác.

Phía công ty nêu rõ với phần diện tích công ty đã chuyển nhượng cũng gặp khó trong thủ tục thuê đất nên rất khó trong việc quản lý, bảo vệ cũng như triển khai dự án.

Doanh nghiệp đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho phép dừng hoạt động Dự án khai thác mỏ lộ thiên mỏ đất, cát ở xã Chí Minh; nhận lại tiền là các chi phí đã nộp để thực hiện dự án nhưng lại chưa thực hiện được. Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích dự án này sang trồng cây-nuôi thủy sản và bàn giao đất đã giải phóng mặt bằng cho công ty.

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, việc Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Đăng xin phép dừng triển khai dự án là có cơ sở và phù hợp với thực tế. Khu vực dự kiến triển khai dự án là vùng có tiềm năng khai thác, cải tạo phát triển rươi cáy để góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

NGHĨA AN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vi-sao-nen-dung-du-an-khai-thac-mo-dat-cat-o-xa-chi-minh-tu-ky-384450.html