Việc sản xuất hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đang được Nga chú trọng.
Việc tăng cường sản xuất được xác nhận bởi ông Sergey Pitikov - người đứng đầu Cục thiết kế chế tạo máy, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất vũ khí này. Tại Diễn đàn Army-2023, ông Pitikov lưu ý rằng việc bàn giao các tổ hợp Iskander-M đã tăng gấp nhiều lần.
Truyền thông nhà nước Nga cho rằng Bộ Quốc phòng đã trao một hợp đồng bổ sung để sản xuất thêm các hệ thống Iskander-M. Nhu cầu gia tăng phần lớn là do cuộc xung đột đang diễn ra và căng thẳng với NATO leo thang.
Lực lượng Vũ trang Nga có một kho dự trữ tên lửa Iskander-M đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn trong số này nhằm sẵn sàng cho tình huống gia tăng thù địch đối với NATO, do vậy Nga khá hạn chế sử dụng chúng trong thời gian qua.
Điều này khiến Quân đội Nga phải trông chờ phần lớn vào những tên lửa hành trình phóng từ trên không, những cuộc tấn công của Iskander-M dường như chỉ dành riêng cho các mục tiêu ưu tiên cao.
Hệ thống tên lửa Iskander-M đã được sử dụng trong vài cuộc chiến, ví dụ như ở Georgia năm 2008 và có khả năng là tại Syria kể từ năm 2017. Đáng chú ý, tính năng của vũ khí này gần giống với hệ thống OTR-23 Oka của Liên Xô, đặc biệt là biến thể Oka-U tiên tiến.
Sau năm 1991, Nga đã xoay sở để đưa hệ thống tên lửa Oka-U vốn đang trong giai đoạn phát triển vào hoạt động một cách tương đối vội vã nhằm tiết kiệm thời gian.
Một số nhà phân tích quân sự còn cho rằng hệ thống tên lửa Iskander-M có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với hệ thống Oka-U, thậm chí còn có đánh giá đây thực chất chính là Oka-U, được đổi thương hiệu và tái sử dụng cho thời hậu Xô Viết.
Khi nói đến hiệu suất, Iskander-M hầu như không bị thách thức do ít có đối thủ cạnh tranh, có lẽ ngoại trừ một số hệ thống tên lửa nhất định do Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc phát triển.
Các nhà phân tích quốc phòng tại ấn phẩm Thụy Điển Svenska Dagbladet đã nhấn mạnh vào những tính năng độc đáo của hệ thống Iskander-M, khi nói rằng nó cung cấp một “năng lực quân sự hoàn toàn mới”.
Họ lưu ý rằng quỹ đạo của tên lửa không hoàn toàn theo kiểu đạn đạo mà thực hiện được thao tác vận động linh hoạt gần như tên lửa hành trình. Iskander-M có thể đạt tốc độ ấn tượng khi công kích, lên tới 2 - 3 km/giây, hoặc Mach 5,8 - 8,7.
Các nhà quan sát chỉ ra rằng việc đánh chặn một tên lửa di chuyển nhanh như vậy đòi hỏi có trong tay những hệ thống phòng không tiên tiến, có tốc độ xử lý siêu nhanh và đánh chặn siêu chính xác.
Sức mạnh của NATO đặt ra một thách thức đáng kể đối với Nga. Do đó, Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống tên lửa đất đối đất, chẳng hạn như Iskander-M, để duy trì khả năng phản công đáng tin cậy.
Cách tiếp cận này là một phần quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Nga, đảm bảo nước này vẫn là một thế lực trên trường quốc tế.
Điều đáng sợ nhất là hệ thống tên lửa Iskander-M có khả năng mang nhiều loại đầu đạn, bao gồm cả thông thường và hạt nhân. Đầu đạn hạt nhân mà tên lửa có thể mang theo được cho là loại chiến thuật công suất thấp với đương lượng nổ dưới 50 kiloton.
Loại đầu đạn này được thiết kế để chống lại các mục tiêu quân sự, chẳng hạn như nơi tập trung quân, trung tâm chỉ huy và kiểm soát, cũng như bệ phóng tên lửa.