Hồi đầu tháng 8/2019, một tấm ảnh vệ tinh được đăng trên trang Twitter của tài khoản Aurora Intel tiết lộ rằng Nga đã ngừng kích hoạt một trong các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf mà họ triển khai trên lãnh thổ Syria.
Đây chính là tổ hợp phòng không S-400 được triển khai tại thành phố Masyaf thuộc tỉnh Hama, một trong các địa điểm được Nga triển khai S-400 ngay từ những ngày đầu tiên.
Trong tấm ảnh vệ tinh có thể thấy rõ 4 xe mang phóng tự hành (TEL) cùng radar điều khiển hỏa lực 92N6 đã ở trong tư thế hạ xuống và được bao phủ bởi lưới ngụy trang.
Theo dự đoán của các chuyên gia quân sự thì có khả năng sắp tới Nga sẽ rút hệ thống S-400 này về nước cho nên họ mới quyết định ngừng kích hoạt tổ hợp.
Còn lý do khác đó là Nga dự định tái triển khai tổ hợp tới một vị trí khác cần thiết hơn, do gần đây quân đội chính phủ Syria đã cho hoạt động tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của mình tại vị trí gần đó.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300PM của quân đội chính phủ Syria đã được nâng cấp lên chuẩn S-300PMU-2 tiệm cận tính năng với S-400, do vậy sẽ bất hợp lý khi bố trí 2 tổ hợp phòng không tầm xa ngay cạnh nhau.
Ngoài ra việc Nga rút S-400 đi còn có thể là để tránh bị "vạ lây" bởi các đợt tấn công của không quân Israel, khi họ vô tình bắn vào S-400 của Nga trong khi oanh kích S-300 Syria.
Tuy nhiên vừa qua đã có diễn biến mới, đó là hệ thống S-400 của quân đội Nga vẫn hoạt động gần thành phố Masyaf, nhà nghiên cứu OSINT Observer IL cho biết trong một tấm ảnh vệ tinh chụp vào ngày 11/8.
Bức ảnh cho thấy các xe mang phóng tự hành của tổ hợp phòng không S-400 cùng các đài radar chức năng đang ở vị trí triển khai, toàn bộ lưới ngụy trang đã được dỡ bỏ, cho thấy chúng đang được tái triển khai trở lại
Một tài khoản Twitter khác sau đó đã chú thích chi tiết các thành phần của hệ thống S-400, đó là đài radar nhìn vòng 96L6, radar điều khiển hỏa lực 92N6 và các xe mang phóng tự hành 5P85S2, cạnh đó còn một tổ hợp Pantsir-S1 được triển khai.
Hiện tại chưa rõ lý do vì sao Nga tạm dừng hoạt động của hệ thống S-400 trong một thời gian ngắn rồi lại kích hoạt trở lại, trong khi ngay cạnh đó đã có một tổ hợp S-300PM của quân đội Syria.
Điều cần lưu ý là thông tin trên được công bố ngay sau khi tiêm kích Israel thực hiện hành động phóng tên lửa mồi bẫy bay qua trận địa S-300 của Syria với mục đích thăm dò nhằm chuẩn bị cho đòn tấn công tương lai.
Việc Nga công bố thông tin kích hoạt lại hệ thống S-400 theo nhận định nhằm gửi thông điệp tới Israel rằng khu vực này vẫn có binh lính của họ đóng quân.
Không quân Israel sẽ phải thật cẩn trọng nếu có ý định tiến hành hoạt động đánh phá tại khu vực này, bởi rất dễ làm tổn thương tới binh lính Nga đóng quân ngay bên cạnh.
Tuy nhiên hành động trên của Nga cũng phần nào cho thấy binh lính Syria chưa thực sự tự tin vào việc độc lập vận hành tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của mình.
Bạch Dương