Theo ông Vladimir Artyakov - Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec, sẽ chỉ có tổng cộng 22 chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 được sản xuất hàng loạt và bàn giao trước cuối năm 2024.
Hiện không quân Nga đã nhận 10 chiếc Su-57, Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) cần hoàn thành thêm 12 chiếc trong 24 tháng tới.
Tính từ ngày đầu thì trung bình chỉ có 6 máy bay chiến đấu Su-57 xuất xưởng mỗi năm - tỷ lệ rất thấp so với sản lượng hàng năm của Lockheed Martin là gần 50 chiếc F-35, hoặc hơn 120 tiêm kích J-20 của Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một tín hiệu tích cực khi Artyakov chỉ ra rằng Su-57 đang trải qua các chuyến bay thử nghiệm với động cơ Izdelie 30 thế hệ mới.
Động cơ đặc biệt này được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của Su-57 Felon, củng cố vị thế của nó như một tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm đích thực.
Ông Artyakov nói rõ:“Máy bay với động cơ giai đoạn hai hiện đang trải qua các bài kiểm tra. Là một phần của hợp đồng sản xuất, kế hoạch bàn giao Su-57 với động cơ mới đang được tiến hành - một dự án mà UEC (Liên hiệp chế tạo động cơ) và UAC tích cực thực hiện”.
Hơn nữa, ông Artyakov lưu ý rằng Su-57 được thiết kế để hoạt động với cả động cơ giai đoạn hai khi khẳng định rằng “Ngay cả với động cơ giai đoạn đầu tiên, máy bay chiến đấu vẫn đáp ứng các yêu cầu cơ bản của tiêm kích thế hệ thứ năm”.
Cần lưu ý thêm, vào đầu tháng 7/2023, báo chí Nga đã đưa tin về các cuộc thử nghiệm của Su-57 với động cơ mới - một bước phát triển thậm chí còn xa hơn so với Izdeliye 30.
Cụ thể, báo chí Nga thông báo về việc thử nghiệm phiên bản tiên tiến của máy bay chiến đấu đa năng Su-57, hiện được trang bị "động cơ thế hệ thứ sáu" có vòi phun phẳng và vector lực đẩy thay đổi.
Các hãng tin đang đề cập đến một slide từ bài thuyết trình của UEC, tiết lộ rằng dự án “động cơ thế hệ thứ 6” không chỉ bao gồm việc phát triển vòi phun phẳng, mà còn cả hệ thống điện phức tạp và nhiều cải tiến khác.
Bài thuyết trình cũng đề cập đến sự phát triển của động cơ ba mạch. Thiết kế sáng tạo này có khả năng tăng hiệu suất tiệu thụ nhiên liệu lên một mức đáng kể - lên tới 12,5%.
Theo nhận xét, một trong những lý do chính khiến Nga không thể sản xuất hàng loạt tiêm kích tàng hình Su-57 Felon với số lượng lớn mỗi năm là do thiếu kinh phí.
Chiến đấu cơ Su-57 là một dự án tốn kém đối với Nga và tình hình kinh tế của đất nước hiện tại gây khó khăn cho việc phân bổ kinh phí cần thiết để sản xuất máy bay theo tiến độ kỳ vọng.
Thứ hai, Su-57 là loại máy bay phức tạp, đòi hỏi công nghệ tiên tiến và lao động lành nghề để chế tạo. Nga đang phải đối mặt với những thách thức trong việc có được công nghệ và chuyên môn cần thiết để sản xuất với tốc độ cao.
Ngoài ra, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân lành nghề, điều này càng làm chậm quá trình sản xuất.
Thứ ba, Su-57 gặp phải các vấn đề kỹ thuật trong quá trình phát triển, khiến việc sản xuất bị đình trệ. Đó là những thiết sót với động cơ, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí của máy bay.
Chính vì vậy, Nga đã phải dành thêm thời gian và nguồn lực để giải quyết triệt để những rắc rối này trước khi tiếp tục quá trình sản xuất hàng loạt.
Cuối cùng, Su-57 đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các máy bay chiến đấu tiên tiến khác trên thị trường toàn cầu, khiến Nga gặp khó khăn trong việc đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu.
Nếu không bán được nhiều máy bay cho nước ngoài, Nga sẽ đối diện tình trạng không đủ tiềm lực tài chính để sản xuất Su-57 Felon với số lượng lớn.
Theo An ninh thủ đô