Vì sao Nga lo ngại việc NATO mở rộng sang phía Đông?

Sau khi Liên Xô tan rã, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng. Đến nay vẫn xảy ra tranh cãi rằng điều này sẽ giúp đảm bảo hòa bình, hay tạo thành mối đe dọa?

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 23/2. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 23/2. Ảnh: AP

Kênh DW (Đức) cho biết vai trò của NATO đã được thảo luận ngày càng nhiều kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Khối liên minh quân sự này vốn thành lập năm 1949 nhằm đối trọng với Liên Xô.

Ở thời điểm năm 1991, nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại đã khuyến khích các nhà lãnh đạo châu Âu hình thành khuôn khổ an ninh mới để xác định lại quan hệ với Nga. Giáo sư Dan Plesch tại Đại học SOAS (Anh) cho biết việc Liên Xô tan rã dẫn đến nhiều cuộc gặp và đàm phán cấp cao giữa Mỹ cùng các quan chức Liên Xô, sau này là Nga, nhưng “chưa có nỗ lực nghiêm túc nào để tiếp nhận Nga”.

Theo các tài liệu được Cơ quan An ninh lưu trữ Quốc gia tại Đại học George Washington (Mỹ) giải mật, trong giai đoạn thập niên 90 nhiều bất ổn về kinh tế và chính trị trong nước, việc phản đối NATO là một trong những vấn đề nhận được sự đồng thuận của giới chính trị Nga.

Tổng thống Nga Boris Yeltsin năm 1997 trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Bill Clinton tại Phần Lan đã nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng việc NATO mở rộng sang phía Đông là một sai lầm”.

Tổ chức Hiệp ước Warsaw, khối quân sự các nước Đông Âu và Liên Xô cũng giải thể năm 1991. Năm 1994, Nga ủng hộ chương trình là “cánh cửa để trở thành thành viên NATO” mang tên Quan hệ Đối tác vì Hòa bình mà Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton thúc đẩy. Tuy nhiên, chương trình này đã thất bại.

Đến năm 1997, NATO và Nga ký “Đạo luật Căn bản” về quan hệ, hợp tác, an ninh giữa hai bên. Năm 2002, Hội đồng Nga-NATO được thành lập với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác. Moskva được tiếp cận và hiện diện lâu dài hạn tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ). Nhưng điều này đã ngừng lại kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

NATO duy trì chính sách “mở cửa” về thành viên và ủng hộ quyền của các quốc gia lựa chọn liên minh. Nhà ngoại giao Mỹ James Collins trong một bức điện tín năm 1993 của Bộ Ngoại giao có nhấn mạnh: “Nếu NATO áp dụng chính sách hướng đến mở rộng sang Trung và Đông Âu đồng thời đóng cánh cửa với Nga thì điều này sẽ khiến Moskva coi là đối đầu trực tiếp”.

Các nhà lãnh đạo chụp hình tại trụ sở NATO vào tháng 6/2021. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo chụp hình tại trụ sở NATO vào tháng 6/2021. Ảnh: AP

Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 1990 có đoạn: “Ở bối cảnh hiện tại, NATO và Mỹ không được lợi ích gì khi khối quân sự này kết nạp các nước Đông Âu”. Nhưng kể từ năm 1990, NATO đã trải qua 5 vòng mở rộng để kết nạp một số nước từng thuộc Liên Xô và Tổ chức Hiệp ước Warsaw.

Năm 1999, NATO đánh bom Serbia. Sau đó không lâu, ông Vladimir Putin được bầu làm Tổng thống Nga. Nhà lãnh đạo này vẫn coi vụ đánh bom năm 1999 là bằng chứng cho thấy sự hung hăng của NATO.

Năm 2010, khái niệm chiến lược của NATO kêu gọi “đối tác thực sự” giữa Nga cùng khối quân sự này đồng thời cho biết NATO không phải là đe dọa đối với Moskva.

Ngày 21/2 vừa qua, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nếu Ukraine gia nhập NATO thì đó sẽ là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga”. Ông Putin còn coi Ukraine chính là “bàn đạp” cho cuộc tấn công của NATO nhằm vào Nga.

NATO đã bác bỏ quan điểm của ông Putin và lập luận rằng phần lớn diện tích nước Nga hướng ra Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trên thực tế đa phần dân số Nga tập trung tại khu vực gần với châu Âu.

Ông JD Bindenagel, cựu Phó đại sứ Mỹ tại Đức, cho rằng, NATO sẽ sai lầm nếu không đón nhận nghiêm túc quan điểm của Nga.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-nga-lo-ngai-viec-nato-mo-rong-sang-phia-dong-20220224121440249.htm