Vì sao Nga muốn kiểm soát nhà máy điện hạt nhân bỏ hoang Chernobyl?

Hôm 25/2, lực lượng Nga đã kiểm soát được nhà máy Chernobyl tại Ukraine - khu vực đến nay vẫn còn dư lượng phóng xạ từ thảm họa rò rỉ hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.

Vì sao Nga lại muốn kiểm soát một nhà máy điện đã không còn hoạt động và bị bao quanh bởi hàng nghìn mét vuông đất phóng xạ.

Nhà máy Chernobyl nhìn từ trên cao. Ảnh: India Today.

Nhà máy Chernobyl nhìn từ trên cao. Ảnh: India Today.

Nguyên nhân là do vị trí chiến lược của Chernobyl nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev, thủ đô của Ukraine và do đó phục vụ đắc lực cho đường tiến công của quân đội Nga.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin cho biết, ông Jack Keane, cựu Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đánh giá, Chernobyl "không có bất kỳ ý nghĩa quân sự nào" nhưng nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev, mục tiêu của chiến lược của Nga.

Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tập trận chiến thuật gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong những tuần gần đây. Ảnh: Reuters.

Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tập trận chiến thuật gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong những tuần gần đây. Ảnh: Reuters.

Ông Keane gọi tuyến đường này là một trong 4 trục chính của "chiến dịch quân sự" mà Nga triển khai ở Ukraine, trong đó có một tuyến khác cũng từ Belarus, một đường tiến về phía nam vào thành phố Kharkov của Ukraine và một đường đẩy lên phía bắc từ Crimea, phần lãnh thổ Nga sáp nhập từ năm 2014, đến thành phố Kherson.

Kiểm soát Chernobyl là một phần quan trọng trong chiến lược của Nga, một quan chức cấp cao Ukraine đã xác nhận thông tin này hôm 25/2.

Trước đó, lò phản ứng thứ tư tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cách thủ đô Kiev của Ukraine 108 km về phía Bắc, đã phát nổ vào tháng 4/1986 trong một cuộc thử nghiệm bất thành, khiến những đám mây phóng xạ cuồn cuộn tràn qua phần lớn châu Âu và kéo tới tận miền Đông nước Mỹ.

Lò phản ứng số 4 của Chernobyl bốc cháy và phát nổ vào tháng 4 năm 1986. Ảnh: Reuters.

Lò phản ứng số 4 của Chernobyl bốc cháy và phát nổ vào tháng 4 năm 1986. Ảnh: Reuters.

Chất phóng xạ stronti, cesium và plutonium chủ yếu ảnh hưởng đến Ukraine và nước láng giềng Belarus, cũng như một số khu vực của Nga và châu Âu. Ước tính về số người chết trực tiếp và gián tiếp do thảm họa dao động từ mức thấp vài nghìn tới mức cao nhất là 93.000 ca tử vong do ung thư trên toàn cầu.

Thảm họa được cho là một phần nguyên nhân khiến Liên Xô tan rã vài năm sau đó.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc cho biết, 4 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành của Ukraine vẫn an toàn và những chất thải còn sót lại cùng những cơ sở khác tại Chernobyl đều "không bị ảnh hưởng".

 Chính phủ Liên Xô đã xây dựng một lô cốt bê tông để chứa bức xạ từ lò phản ứng. Ảnh: Eesti Tsernoboli Uhing.

Chính phủ Liên Xô đã xây dựng một lô cốt bê tông để chứa bức xạ từ lò phản ứng. Ảnh: Eesti Tsernoboli Uhing.

Minh Tuấn (ABC.Net.Au)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-nga-muon-kiem-soat-nha-may-dien-hat-nhan-bo-hoang-chernobyl-5680557.html