Vì sao Nga quay trở lại Mặt Trăng sau gần 50 năm?
Lúc 2 giờ 10 phút 57 giây theo giờ Moscow (tức 6 giờ 10 phút, theo giờ Hà Nội) ngày 11-8, Nga phóng tàu vũ trụ Luna-25 vào không gian, đánh dấu bước khởi động lại chương trình thăm dò Mặt Trăng của Nga sau gần 50 năm.
Tên lửa Soyuz mang theo tàu Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga. Trước đó, người dân làng Shakhtinskyi ở vùng Khabarovsk của Nga, phía Đông Nam bãi phóng, đã được sơ tán vào sáng sớm 11-8, do địa điểm này nằm trong khu vực dự kiến tên lửa đẩy sẽ rơi xuống sau khi tàu vũ trụ Luna-25 tách khỏi tên lửa.
Hành trình tới Mặt Trăng của tàu vũ trụ Luna-25 sẽ mất khoảng 5 ngày. Tàu vũ trụ sau đó sẽ dành từ 5 đến 7 ngày trên quỹ đạo Mặt Trăng trước khi cố gắng hạ cánh gần Nam Cực. Cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của tàu vũ trụ Luna-25 được lên kế hoạch vào ngày 23-8, tức là cùng ngày với sự xuất hiện của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ. Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) bảo đảm rằng hai sứ mệnh sẽ không can thiệp vì họ đã lên kế hoạch cho các bãi đáp khác nhau. Theo franceinfo.fr, trong một năm, cỗ máy nặng 800 kg sẽ “lấy và phân tích đất” cũng như “tiến hành nghiên cứu khoa học dài hạn”.
Với lần phóng đầu tiên kể từ năm 1976, Nga đang tìm cách khôi phục lại hình ảnh về một cường quốc vũ trụ. Theo franceinfo.fr, có nhiều lý do dẫn đến quyết định tái khởi động cuộc thám hiểm Mặt Trăng của Nga.
Trước hết, Moscow muốn giải phóng mình khỏi phương Tây kể từ cuộc chiến ở Ukraine. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2-2022, các nước phương Tây liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đối tác khám phá không gian của nước này. Ví dụ như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã từ bỏ hợp tác với Moscow trong việc phóng tàu vũ trụ Luna-25 và các nhiệm vụ tiếp theo của tàu Luna-26 và 27.
Trong bối cảnh trên, việc Nga phóng tàu vũ trụ Luna-25 lên Mặt Trăng là sự tái khẳng định vị thế là một cường quốc công nghệ hàng đầu độc lập với phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định hồi tháng 4-2022 rằng, Nga sẽ tiếp tục thực hiện chương trình khám phá Mặt Trăng của mình, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
Vài tháng sau, Moscow tuyên bố sẽ rời Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2024 và thành lập trạm vũ trụ của riêng mình, dự kiến đưa vào quỹ đạo vào năm 2030. “Bằng cách tạo ra các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, Nga đang tìm cách tạo ra các sứ mệnh của riêng mình độc lập với sứ mệnh Artemis và các đồng minh của họ”, Isabelle Sourbès-Verger, nhà địa lý học và giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), giải thích. Theo franceinfo.fr, Dự án Artemis do Cơ quan Hàng không vũ trụ của Mỹ (NASA) thực hiện với mục đích thành lập căn cứ bền vững trên Mặt Trăng để chuẩn bị cho chuyến du hành tới Sao Hỏa.
Hai là, trong những năm gần đây, các chương trình khám phá Mặt Trăng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Hàn Quốc đã phóng tàu thăm dò Mặt Trăng “Danuri” đầu tiên của họ hồi tháng 8-2022. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng tham gia cuộc đua này hồi tháng 4 bằng cách đưa xe tự hành Rashid vào vũ trụ. Mới đây, ngày 5-8, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, nước này đã đưa thành công tàu thám hiểm Chandrayaan-3 lên quỹ đạo của Mặt Trăng. Tàu dự kiến hoàn thành hành trình 40 ngày hạ cánh ở điểm gần cực Nam Mặt Trăng vào ngày 23-8, sau đó thực hiện nhiệm vụ thăm dò và thí nghiệm trong vòng 2 tuần.
Cuộc đua thám hiểm Mặt Trăng cũng sôi động ở khu vực tư nhân. Công ty Synergie Moon muốn trở thành “nhà cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ ít tốn kém nhất hành tinh”, trong khi công ty Moon Express muốn khai thác tài nguyên helium 3 trên Mặt Trăng, trang mạng của National Geographic giải thích.
Theo ông Olivier Sanguy, Tổng biên tập của trang tin tức không gian Cité de l'Espace ở Toulouse (Pháp), Mặt Trăng là một điểm đến khám phá không gian với giá cả phải chăng. “Đây là sự phức tạp khoa học đầu tiên mà một chương trình không gian có thể hướng tới, trái ngược với Sao Hỏa, Sao Mộc hoặc Sao Hải Vương, là những điểm đến đắt đỏ hơn nhiều”, ông Olivier nhấn mạnh.
Ba là, Nga muốn đi tiên phong trong việc khám phá Nam Cực. “50 năm sau các sứ mệnh Apollo đầu tiên, các nhà khoa học Nga muốn kiểm tra những tảng đá mới từ các vùng mặt trăng khác nhau. Đây chính là lý do khiến Luna-25 phải hạ cánh xuống Nam Cực, ở địa hình hiểm trở”, Roscosmos chỉ rõ. Nhà địa lý học Isabelle Sourbès-Verger phân tích rằng, Nga đang dựa vào lãnh thổ ít được khám phá này để thực hiện những khám phá khoa học “có tác động quốc tế”.
Vào tháng 7-2023, ông chủ của Roscosmos đã thể hiện tham vọng này khi tuyên bố rằng “tương lai của các chuyến bay có người lái của Nga” sẽ dựa trên “một chương trình khoa học cân bằng và có hệ thống để mỗi chuyến bay làm giàu kiến thức cho chúng ta”. Trong số các tài nguyên đó có nước đá được giữ trong hàng tỷ miệng núi lửa nhỏ được gọi là “bẫy lạnh”. Theo các nghiên cứu do NASA thực hiện, Mặt trăng sẽ chứa 600 triệu tấn nước đá.
Cuối cùng, trong cuộc đua khám phá Mặt Trăng này, Nga đã tìm được đồng minh: Trung Quốc. Vào cuối tháng 8-2021, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về việc xây dựng một trạm vũ trụ “trên bề mặt hoặc trên quỹ đạo” của Mặt Trăng. Nếu họ hợp tác trong lĩnh vực thám hiểm không gian, dự án này sẽ có quy mô chưa từng có.
Jessica Flahaut, nhà địa chất tại Trung tâm nghiên cứu địa hóa và thạch học Nancy, giải thích, Bắc Kinh “có chương trình không gian rất tốt, mở cửa cho quốc tế và sự hợp tác này rất hứa hẹn”. Vào tháng 12-2020, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ ba, sau Mỹ và Nga, mang về các mẫu mặt trăng nhờ tàu thăm dò Hằng Nga 5 của họ.
PHƯƠNG LINH (theo franceinfo.fr, cnetfrance.fr)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.