Vì sao Nga sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ngăn Ukraine gia nhập NATO?
Vị trí quan trọng của Ukraine trên nhiều mặt khiến Nga sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ngăn nước này gia nhập NATO, thậm chí Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã tuyên bố: 'Việc đảm bảo Ukraine không bao giờ trở thành thành viên NATO là một yêu cầu hoàn toàn bắt buộc'.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang tập trung vào một quốc gia, vốn là tâm điểm đối đầu giữa hai bên trong những năm gần đây, đó là Ukraine.
Tuần này, một loạt cuộc gặp cấp cao giữa Nga và các quan chức phương Tây đã được tiến hành nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Moscow và Kiev.
Một vấn đề hiện được đặt ra là liệu một ngày nào đó Ukraine có trở thành một thành viên của NATO hay không. Đây sẽ là một khả năng mà chắc chắn Nga sẽ phản đối mạnh mẽ.
Tại sao Ukraine là tâm điểm tranh cãi giữa Nga và phương Tây?
Mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đã lao xuống mức thấp vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên nếu như trước đó căng thẳng ở miền đông Ukraine giữa lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai vẫn ở mức thấp thì tình hình đã leo thang trong những tháng gần đây. Ngoài ra, việc quân đội Nga tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine cũng khiến phương Tây dấy lên mối lo ngại rằng, Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự.
Nga đã nhiều lần phủ nhận kế hoạch trên trong khi Mỹ, EU và NATO cảnh báo, các nước này sẽ "phản ứng quyết liệt" nếu Nga tấn công Ukraine. Dù vậy, việc phương Tây sẽ đi xa đến đâu để bảo vệ Ukraine vẫn là một câu hỏi lớn.
Nga muốn gì?
Tháng trước, Nga đã đưa ra một số yêu cầu với phương Tây liên quan đến Ukraine cùng với những vấn đề an ninh khác trong một dự thảo đề xuất an ninh. Trong tài liệu này, phía Moscow yêu cầu Washington phải ngăn chặn NATO mở rộng về phía đông và không cho phép những nước từng thuộc Liên Xô tham gia vào liên minh này.
Cũng trong dự thảo đề xuất trên, Nga yêu cầu Mỹ "không thành lập căn cứ quân sự" ở những nước từng thuộc Liên Xô, hiện vẫn chưa là thành viên NATO, và cũng không được "sử dụng các cơ sở hạ tầng cho bất kỳ hành động quân sự nào hoặc tăng cường hợp tác quân sự song phương với những nước này".
Mặc dù không đề cập cụ thể trong dự thảo trên nhưng rõ ràng Ukraine là mục tiêu mà Nga muốn nhắc đến. Nga thường bày tỏ thái độ không hài lòng với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Romania thuộc Đông Âu, cũng như việc NATO tăng cường sự hiện diện của các "lực lượng sẵn sàng tác chiến" tại các nước vùng Baltic và Ba Lan.
Về phần mình, Mỹ và NATO cũng khẳng định các đề nghị như Ukraine không được gia nhập NATO hay việc thu hẹp quy mô triển khai lực lượng của NATO ở Đông Âu là những kế hoạch không có triển vọng thành công, theo như nhận định của Thứ trưởng Mỹ Wendy Sherrman, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong cuộc trao đổi với các quan chức Nga ở Geneva ngày 10/1.
Trong khi Thứ trưởng Sherman cho biết, Mỹ đã bác bỏ những đề xuất an ninh từ phía Nga thì Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đánh giá, các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn, đồng thời cho thấy Moscow sẽ không thay đổi các yêu cầu của mình.
Ông Sergei Ryabkov tuyên bố: "Việc đảm bảo Ukraine không bao giờ trở thành thành viên NATO là một yêu cầu hoàn toàn bắt buộc".
Mặc dù không có tiến triển rõ ràng nào đạt được trong các cuộc trao đổi ngày 10/1 giữa Nga và Mỹ nhưng những cuộc trao đổi giữa Nga và NATO tại Brussels ngày 11/1 cùng với những cuộc thảo luận ngày 12/1 tại Tổ chức An ninh và Hợp tác tại châu Âu ở Vienna vẫn nuôi hy vọng hạ nhiệt căng thẳng giữa các bên.
Nga đang tính toán điều gì?
Ukraine có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga khi xét tới vị trí của nước này, vốn được coi là bức tường thành giữa Nga và các nước Đông Âu, cũng như có tầm quan trọng mang tính lịch sử và biểu tượng. Ukraine thường được ví như "viên đá quý" trên chiếc "vương miện" của Liên Xô.
Tổng thống Putin từng nhận định Ukraine có mối quan hệ về kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa chặt chẽ với Nga, đồng thời miêu tả người dân Nga và người dân Ukraine là "một dân tộc". Nhà lãnh đạo Nga thậm chí đã viết một bài phân tích về chủ đề này với tiêu đề "Sự thống nhất về lịch sử của người dân Nga và người dân Ukraine".
Dù vậy, dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine lại hướng về phương Tây để nhận được sự hỗ trợ kinh tế và vị thế địa chính trị, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Ukraine cũng nhiều lần thể hiện mong muốn gia nhập EU và NATO.
Nhiều chiến lược gia và các nhà quan sát chính trị Nga của phương Tây cho rằng Nga không chỉ đang tìm cách ngăn Ukraine gia nhập NATO mà còn muốn tách Kiev khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây.
"Tư cách thành viên trong NATO có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt và Nga sẽ không chấp nhận việc phương Tây mở rộng sự ủng hộ quân sự đáng kể cho Ukraine", Maximilian Hess, học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nhận định với CNBC.
Nga sẽ đi xa đến đâu?
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà các quan chức phương Tây đang đối mặt là Nga sẵn sàng đi xa tới đâu để ngăn Ukraine ngả về châu Âu và phương Tây, cũng như tăng cường và mở rộng ảnh hưởng của mình tại quốc gia này.
Trong các cuộc trao đổi ngày 10/1, phái đoàn Nga khẳng định nước này không có kế hoạch tấn công Ukraine. Dù vậy nhà quan sát Angela Stent thuộc Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown đánh giá, một cuộc xung đột ở Ukraine vẫn có khả năng xảy ra.
"Tôi cho rằng khả năng này là 50 - 50 ở thời điểm hiện tại", nhà phân tích này nhận định, đồng thời cho biết đó sẽ là một cuộc tấn công hạn chế thay vì một cuộc tấn công trên quy mô lớn. "Nguy hiểm vẫn tiềm ẩn ở đây".
Nhà quan sát Maximilian Hess cũng nhất trí với nhận định này khi cho rằng Nga đang chuẩn bị chiến tranh nhưng theo chuyên gia này, điện Kremlin không muốn một cuộc chiến vượt ngoài những mặt trận hiện nay. Theo nhà phân tích Maximilian Hess, đây sẽ “quân bài” đóng vai trò quan trọng để Nga thương lượng với Mỹ trên bàn đàm phán.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Anh tại Nga Tony Brenton thì cho rằng cả Nga và Mỹ đều muốn tránh xung đột quân sự và những hành động của Nga cho thấy nước này chỉ muốn những lợi ích của mình được "xem xét"./.