Vì sao ngân hàng đang 'buông' công ty tài chính?
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, có thể đến lúc này, vai trò của công ty tài chính không còn cần thiết với các ngân hàng nữa. Bởi, nếu 'nhường sân khấu' cho Fintech, ngân hàng sẽ được nhiều hơn thế nữa...
Bài liên quan
Ngành ngân hàng cần kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm
Muốn đấu giá đất tại Hà Nội, phải huy động được vốn từ ngân hàng
Dù MSBank đã chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại FCCOM với giá 42 triệu USD cho Công ty TNHH Hyundai Card từ cuối năm 2019, nhưng đến nay thương vụ này vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Ngân hàng từng thu về 40% lợi nhuận nhờ công ty tài chính
Theo số liệu từ ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay trên thị trường Việt Nam đang có 16 công ty tài chính hoạt động. Trong đó có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính MCredit của MBank, Công ty tài chính bưu điện của SeABank, Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSBank, Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison của HDBank.
Nếu tính cả năm 2018 thì có Techcom Finance của ngân hàng Techcombank, tuy nhiên thương vụ này đã sang tay 100% vốn cho Công ty Lotte Card (Hàn Quốc).
Ở giai đoạn trước, việc các ngân hàng mua bán và sáp nhập (M&A) công ty tài chính đều nằm trong chiến lược chung như lãnh đạo MBank từng chia sẻ rằng mục tiêu là để “phục vụ 5 triệu khách hàng tại Việt Nam vào năm 2021”… Tuy nhiên kỳ vọng lớn là vậy và thực tế cũng cho thấy 2 năm trở lại đây công ty tài chính vẫn được đánh giá là “gà đẻ trứng vàng” hoặc ít ra cũng đã hỗ trợ ngân hàng “thoát hiểm” các món nợ xấu. Nhưng giữa lúc đang ăn nên làm ra thì trong mùa đại hội đồng cổ đông 2020 thông tin M&A công ty tài chính đều được các ngân hàng lần lượt công khai.
Theo đó, dù mới tham gia thị trường nhưng 2019, nhưng Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC) đã tăng tổng tài sản 2,75 lần so với 2018 lên 3.300 tỷ đồng; dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần. Nhờ nguồn thu này năm 2019, SHB đã đạt lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng và mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn.
Nhưng ngay sau đó, tại Đại hội đồng cổ đông 2020, Chủ tịch SHB Đỗ Đức Hiển đã thông tin sẽ thoái vốn tại Công ty tài chính SHBFC cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, dù tin tưởng thương vụ thoái vốn sẽ thành công nhưng đến nay khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm tài khóa thì câu chuyện M&A tại SHBFC của SHB vẫn chưa thực hiện được.
Trước đó, ngành ngân hàng cũng ghi nhận "gà để trứng vàng" - FE Credit đã đóng góp tới hơn 40% lợi nhuận trước thuế năm 2019 cho Ngân hàng VPBank. Nhưng cũng ngay sau đó, tại Đại hội đồng cổ đông 2020, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cũng thông tin sẽ M&A FE Credit theo quy định tối đa là 49% vốn. Tuy nhiên, đến nay “gà đẻ trứng vàng” của VPBank vẫn chưa có thêm chủ mới.
Chung số phận, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, lãnh đạo MSBank cũng thông tin đã tìm được nhà đầu tư là để chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại FCCOM với giá 42 triệu USD cho Công ty TNHH Hyundai Card. Tuy nhiên, dù được ký kết từ cuối năm 2019 nhưng đến nay thương vụ chuyển nhượng này vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Như vậy, việc các ngân hàng đang muốn tháo chạy khỏi công ty tài chính đã được định hình. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao ngân hàng lại giã từ thị trường lúc gà đang đẻ trứng thì còn nhiều câu chuyện đáng bàn.
Fintech sắp có "danh phận"?
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các ngân hàng bán công ty tài chính là nằm trong kế hoạch kinh doanh của mỗi ngân hàng. Trên thị trường tài chính ngân hàng hiện tại vẫn chưa thể hiện xu hướng các ngân hàng rũ bỏ các công ty tài chính.
Tuy nhiên, hiện tại các ngân hàng đang gặp phải vấn đề nợ xấu do cho vay tiêu dùng rất nhiều. Chưa kể hiện nay khách hàng trong trong mảng này đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 dẫn đến nguy cơ về nợ xấu từ các gói vay tiêu dùng đang tăng lên. Do đó, đây cũng có thể là nguyên ngân các ngân hàng lên kế hoạch tháo chạy khỏi các công ty tài chính.
Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
Theo ông Hiếu, mặc dù các công ty tài chính có đóng góp lợi nhuận đáng kể cho cả hệ thống ngân hàng nhưng lĩnh vực cho vay này tại Việt Nam rủi ro rất là lớn, do đó, trong giới tài chính không lạ gì khi các ngân hàng muốn M&A công ty tài chính để tập trung vào hoạt động cốt lõi.
Đây là một chiến lược chứ không phải là xu hướng chung của ngành tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những lý do vừa nêu trên thì sự có mặt của công ty Fintech trong thời gian vừa qua là một tín hiệu tốt cho hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
“Qua nhiều hình thức mà Fintech hợp tác với ngân hàng trong vấn đề thanh toán, cho vay và ngay cả huy động vốn đang thể hiện mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty Fintech ngày càng mạnh mẽ. Và có thể đến lúc này, vai trò của công ty tài chính không còn cần thiết với các ngân hàng nữa. Bởi vì nếu ngân hàng kết nối với công ty Fintech thì họ có nhiều hơn những sản phẩm từ công ty tài chính mang lại. Tuy nhiên, hoạt động của Fintech hiện nay dù đã có sự tăng trưởng và tiến triển tốt nhưng vẫn trong phạm vi hẹp”, vị chuyên gia này phân tích.
Fintech không soán ngôi được ngân hàng trong dịch vụ tài chính bởi rõ ràng ngân hàng là trụ cột của nền kinh tế. Nhưng hiện tại Fintech đang dần thể hiện vai trò lớn trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Đặc biệt, nếu tới đây, nếu Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng được Chính phủ thông qua vào đầu năm 2021 thì rất có thể các công ty tài chính không còn cửa sáng, ông Hiếu nhận định.
Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng dự kiến sẽ bao gồm 6 nhóm chính sách lớn.
Thứ nhất, quy định đối tượng liên quan đến hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được tham gia thử nghiệm bao gồm ngân hàng; công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech hợp tác với ngân hàng; công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech độc lập.
Thứ hai, quy định cụ thể về lĩnh vực được/cần tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech và thẩm quyền ban hành chính sách là Chính phủ.
Thứ ba, quy định các nhóm tiêu chí cơ bản để thẩm định và xét duyệt các tổ chức xin tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech.
Theo đó, để được chấp thuận tham gia Cơ chế thử nghiệm, giải pháp Fintech của tổ chức phải là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh; là giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp Fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao góp phần đem mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-ngan-hang-dang-buong-cong-ty-tai-chinh-post108000.html