Vì sao ngân hàng tự ý phong tỏa tài khoản thanh toán của khách hàng?
Khách hàng bức xúc vì bị bất ngờ phong tỏa tài khoản, ngân hàng Oceanbank đã giải thích lý do chủ động phong tỏa tài khoản để phòng ngừa rủi ro có thể phát sinh.
Mới đây, chị NGH, đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc tỏ ra bức xúc khi ngân hàng Oceanbank bất ngờ phong tỏa tài khoản thanh toán vì nghi ngờ chị H sử dụng CCCD giả mạo để mở tài khoản theo hình thức e-KYC.
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, chị H nói: Ngày 22-6, tôi đã mở tài khoản thanh toán qua hình thức online tại Ngân hàng Oceanbank (quận Tây Hồ, Hà Nội). Sau khi hoàn tất các bước hướng dẫn để mở tài khoản thanh toán trên app Oceanbank mobile, tôi nhận được email thông báo tài khoản đã được mở thành công.
“Thấy vậy, tôi liền chuyển 40 triệu đồng từ tài khoản của tôi tại ngân hàng MB sang tài khoản Oceanbank mà tôi vừa mở. Nhưng khi việc chuyển tiền vừa thành công thì Oceabank lại thông báo là tài khoản thanh toán không hợp lệ nên khóa tài khoản của tôi. Liên hệ với tổng đài của ngân hàng này thì được biết họ nghi ngờ tài khoản của tôi được mở bằng CCCD bị cắt ghép hình ảnh”.
Do tôi đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc nên đã nhờ mẹ đẻ của mình đến ngân hàng để làm rõ sự việc. Buổi làm việc có nhân viên ngân hàng nơi tôi đăng ký mở tài khoản, mẹ tôi và công an khu vực đến để xác minh thông tin. Qua trao đổi, công an khu vực đã xác nhận thông tin về tên tuổi, số CCCD... mà tôi đã khai báo khi mở thẻ hoàn toàn trùng khớp với dữ liệu về công dân tại khu vực đăng ký thường trú".
Thế nhưng, ngay cả khi giấy tờ của tôi đã được xác nhận khớp 100% với thông tin khai báo để mở tài khoản thanh toán thì phía ngân hàng Oceanbank vẫn yêu cầu tôi phải trực tiếp đến ngân hàng làm việc thì mới mở lại tài khoản mà họ đã khóa.
"Nếu tôi buộc phải có mặt tại ngân hàng để làm thủ tục mở lại thẻ cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải dừng hợp đồng lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc. Như vậy mọi tổn thất về mặt kinh tế chỉ để kích hoạt lại tài khoản thanh toán, liệu phía Oceanbank có chịu trách nhiệm không? Còn nếu không thì phải trả lại ngay 40 triệu đang nằm trong tài khoản của Oceanbank”, chị H bức xúc nói.
Bảo vệ an toàn tài khoản của khách hàng là ưu tiên hàng đầu
Liên quan đến sự việc này, phóng viên báo Pháp luật TP.HCM đã trao đổi với đại diện lãnh đạo Oceanbank để tìm hiểu sự tại sao ngân hàng lại tự ý phong tỏa tài khoản của khách hàng NGH?
Trả lời về vấn đề này, đại diện Oceanbank cho biết: "Khi làm việc với công an thì họ chỉ xác minh về nhân thân của chị H, tức là họ xác nhận có với tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, số CCCD hoàn toàn trùng khớp với thông tin mà khách hàng NGH đã khai báo khi mở tài khoản. Nhưng công an khu vực không xác minh hình ảnh chụp hai mặt của CCCD (bị mờ) là thật hay giả".
Bước tiếp theo mà ngân hàng OceanBank phải làm là cần đối chiếu, xác minh hình ảnh CCCD do khách hàng cung cấp trên hệ thống với CCCD bản gốc. Nhưng do chị H đang ở Hàn Quốc, nên chúng tôi phải đợi đến ngày 30-6, khi khách hàng gửi được CCCD bản gốc về Việt Nam thì mới hoàn tất các bước xác minh lại hồ sơ mở tài khoản. Khi thấy thông tin, hình ảnh hoàn toàn trùng khớp thì ngay hôm sau (ngày 3-7), Oceanbank đã mở lại tài khoản và thông báo đến cho khách hàng".
Oceanbank cho biết thêm: "Bất cứ tài khoản nào khi mở bằng hình thức e-KYC, chúng tôi đều cần phải làm thêm bước tiếp xác minh lại hồ sơ của khách hàng. Việc này có thể diễn ra ngay trong ngày, hoặc cũng có thể mất đến một tuần hoặc 10 ngày nếu số lượng tài khoản mở mới tăng cao.
Việc này không phải là quy định "bổ sung thêm" nhằm gây khó dễ cho khách hàng mà nó nằm trong quy định chung về Quản lý mở và sử dụng tài khoản của NHNN tại Thông tư 16/2020/TT-NHNN và văn bản 5865/NHNN-TT của NHNN.
Nếu phát hiện có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ, chúng tôi buộc phải tạm phong tỏa tài khoản để tăng cường biện pháp quản lý rủi ro, phòng ngừa rủi ro có thể phát sinh cho khách hàng", đại diện Oceanbank nói.
Dẫn chứng thêm về việc cảnh báo rủi ro đối với giao dịch của khách hàng, Oceanbank cho biết: Ngày 9-8-2021 tại phòng giao dịch OceanBank Hòa Long – Vũng Tàu, một khách hàng đến để chuyển khoản 42 triệu đồng, với lý do được người bạn quen biết qua Facebook “nhờ giữ hộ” số tiền 500.000 USD, nhưng phải hoàn tất thủ tục với hải quan để nhận tiền nên cần chuyển khoản trước 42 triệu đồng. Khách hàng của OceanBank đã tin tưởng và có ý định thực hiện giao dịch.
“Nhận thấy đây là trường có dấu hiệu lừa đảo qua mạng, giao dịch viên của đơn vị đã kịp thời cảnh báo, phối hợp cùng cơ quan Công an để thuyết phục Khách hàng, giải thích về chiêu lừa đảo này, giúp ngăn chặn thành công giao dịch chuyển tiền. Nhờ vậy, khách hàng đã tránh được tổn thất lừa đảo lên đến gần 50 triệu đồng”, Oceanbank chia sẻ.