Việc tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp ô tô huyền thoại của Đức.
Trong 12 năm qua, Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới về sản xuất ô tô khi cho sản lượng ổn định hơn 25 triệu chiếc mỗi năm, bỏ xa quốc gia thứ hai là Mỹ với chỉ 9 triệu chiếc. Đáng chú ý, Đức đã tụt hạng rất nhanh, từ vị trí thứ tư xuống thứ sáu.
Vào năm 2022, Trung Quốc không chỉ vượt qua Hàn Quốc mà còn cả Đức về xuất khẩu ô tô, đứng ở vị trí thứ hai sau Nhật Bản. Chuyên gia người Nga Yuri Baranchik đã chú ý đến những thay đổi trên thị trường xe hơi toàn cầu và trình bày kết luận trên kênh Telegram của mình.
"Sự thay đổi đến nhanh chóng trong giai đoạn đại dịch Covid-19, cũng như năm 2022 - thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Baranchik mô tả khoảng thời gian xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng vọt.
Thị phần của Trung Quốc trên thị trường xe điện toàn cầu đã tăng lên 28% vào năm ngoái nhờ sự thống trị trong sản xuất pin và thành công của các doanh nghiệp nội địa, trong khi những công ty Đức như Volkswagen giảm từ 7% xuống 4%.
Xuất khẩu xe hơi từ Trung Quốc sang châu Âu đã tăng từ 133.465 xe vào năm 2019 lên 435.080 chiếc vào năm 2021, do nhu cầu đối với xe điện nước này sản xuất ngày càng cao.
Châu Âu hiện đang nhập khẩu nhiều ô tô từ Trung Quốc hơn là xuất khẩu, việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh và sắp loại bỏ động cơ đốt trong có nguy cơ khiến ngành công nghiệp ô tô Đức trở nên lỗi thời.
Trước tình hình trên nhà phân tích người Nga cho rằng quá trình "phi công nghiệp hóa" của Đức đang trở thành một xu hướng ổn định, thậm chí còn tăng tốc và khó lòng đảo ngược.
Sau khi áp dụng các lệnh trừng phạt chống Nga, Đức đã mất thị trường quan trọng này, họ không chỉ bị cắt cung cấp nguyên liệu thô giá rẻ mà còn tuột cơ hội bán ô tô vào tay Trung Quốc, trong khi đây vốn là chìa khóa cho sự thịnh vượng của người Đức hơn nửa thế kỷ qua.
"Dự báo sang tới năm 2023, mọi thứ sẽ còn trở nên tồi tệ hơn đối với ngành công nghiệp ô tô Đức, Berlin phải trả giá cho chính sách của mình", chuyên gia người Nga nhận xét.
Tuy vậy chuyên gia Baranchik cũng nhận xét rằng việc xuất khẩu ô tô của Trung Quốc không ổn định và phụ thuộc vào tình hình chính trị, do 1/3 sản lượng gắn liền với thị trường châu Âu.
"Nếu vướng vào cơ chế trừng phạt của phương Tây, cánh cửa để ô tô Trung Quốc vào châu Âu sẽ sụp đổ ngay lập tức. Điều này thậm chí sẽ xảy ra ngay khi Mỹ quyết định gây áp lực", nhà phân tích cho biết.
Nhưng trên hết, mối đe dọa thực sự đối với ngành công nghiệp ô tô nói riêng và công nghiệp Đức nói chung không còn xa nữa, và Berlin cần phải ngay lập tức hành động nhằm thoát khỏi thực trạng đáng buồn này
Cần nhấn mạnh rằng ba thập kỷ trước, nước Đức đã chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi từ một quốc gia ốm yếu để giữ vị trí đầu tàu kinh tế của châu Âu.
Nhưng bây giờ mọi việc lại đang đi theo chiều hướng ngược lại, giới phân tích dự báo việc khôi phục khả năng cạnh tranh của nước Đức là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.