Vì sao ngày càng nhiều hành khách hành xử ngỗ ngược trên máy bay?

Nghiên cứu chỉ ra sự gia tăng hành vi ngỗ ngược của hành khách trên các chuyến bay có liên quan tới rượu bia, chậm chuyến, và không gian cá nhân bị thu hẹp.

Theo tờ National Post, hồi tháng 6/2023, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đặt trụ sở ở Montreal, Canada ghi nhận sự gia tăng toàn cầu về các báo cáo liên quan tới hành vi ngang ngược của hành khách từ 1/835 chuyến bay trong năm 2021, thành 1/568 chuyến vào năm 2022.

Các cơ quan quản lý hàng không khác như Cơ quan Hàng không Dân dụng Vương quốc Anh, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), và Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu cũng báo cáo xu hướng tương tự.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

IATA nhấn mạnh dù các trường hợp vi phạm chỉ là số nhỏ trong số 4,3 tỷ lượt hành khách di chuyển bằng đường hàng không mỗi năm (thời điểm trước dịch Covid-19), nhưng chúng có tác động lớn đến sự an toàn của nhiều hành khách khác, và phi hành đoàn.

Ngành hàng không quốc tế hầu như không một tuần nào không có video đăng lên mạng xã hội ghi lại hành vi “xấu hổ của hành khách” giữa các chuyến bay từ la hét phản đối hướng dẫn của các tiếp viên hàng không, không được phép hút thuốc lá, cho tới xông vào buồng lái vì không được uống rượu bia.

Theo các chuyên gia, việc hút thuốc lá trên máy bay là cực kỳ nguy hiểm vì nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, những hành khách say rượu cũng không đủ tỉnh táo để làm theo hướng dẫn, hoặc thoát thân trong tình huống sơ tán khẩn cấp.

Một nghiên cứu có tên “Flying the not-so-friendly skies” của Đại học Texas ở Dallas, Mỹ được công bố vào tháng 7/2023 trên tạp chí Deviant Behavior đã đánh giá hơn 915 vụ việc phản cảm của hành khách từ tranh cãi nhỏ cho tới hành hung thể xác được báo cáo trong 21 năm. Nghiên cứu này đã loại trừ các báo cáo trong những năm đầu xuất hiện Covid-19 do phần lớn trường hợp vi phạm liên quan đến việc đeo khẩu trang.

Những hành vi sai trái về thể chất như đánh đấm, tát, túm, đẩy, hay xúc phạm bằng lời nói khiến tiếp viên hàng không mà hầu hết là phụ nữ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Các hành vi phạm pháp khác bao gồm không tuân theo mệnh lệnh của thành viên phi hành đoàn như ngồi yên, tắt thiết bị điện tử cá nhân, cất hành lý, nhốt vật nuôi trong lồng, và không hút thuốc trong nhà vệ sinh, hoặc không uống rượu.

Trên thực tế, rượu từ lâu được cho là “yếu tố thúc đẩy” hàng đầu cho hành vi ngang ngược của hành khách dẫn đến máy bay phải chuyển hướng bay. Nguyên nhân là do rượu có thể được mua bán dễ dàng cả ở trong và trên máy bay. Ngoài ra, bằng mắt thường, các nhân viên kiểm soát tại cổng cũng khó có thể đánh giá hành khách có say xỉn hay không để cho phép lên máy bay.

Theo nhóm nghiên cứu, việc hủy chuyến bay hàng loạt như vào dịp cuối năm do thời tiết xấu cũng là một “tác nhân đặc biệt mạnh mẽ” gây ra cơn thịnh nộ trên máy bay.

Ngoài ra, các yếu tố khác thúc đẩy hành vi sai trái của hành khách bao gồm mất không gian cá nhân như chỗ để chân bị thu hẹp hơn ở hạng phổ thông kể từ những năm 1980.

Theo họ, cảm xúc có thể bùng phát trong không gian chật hẹp. Bởi trong những cabin chật chội, không gian cá nhân trở càng có giá trị cao, từ đó làm tăng khả năng xung đột giữa các hành khách.

Các nhà nghiên cứu trước đó từng mô tả chiếc máy bay trong thời hiện đại như một “mô hình xã hội thu nhỏ dựa trên giai cấp”. Bởi nghiên cứu cho thấy khả năng xảy ra sự cố cãi vã ở khoang hạng phổ thông cao hơn gần 4 lần so với khoang hạng nhất. Họ cũng cho biết, việc lên máy bay từ phía trước buộc hành khách phải đi qua khoang hạng nhất thay vì từ giữa máy bay cũng làm tăng khả năng bùng nổ tức giận.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-hanh-khach-hanh-xu-ngo-nguoc-tren-may-bay-2247757.html