Vì sao ngày càng nhiều người trẻ chọn trút nỗi lòng với AI? Chuyên gia nói gì?
Từng trải qua giai đoạn trầm cảm nhẹ sau khi thất nghiệp, Nguyễn Thanh Hằng (25 tuổi, Hà Nội) không chia sẻ với gia đình vì sợ bị mắng là 'vô dụng', cũng không tâm sự với bạn bè vì không muốn trở thành gánh nặng. Người duy nhất mà cô nàng có thể kể mọi điều – lại không phải con người – mà là một... chatbot AI.
Khi AI trở nên "vạn năng"
Gần nửa năm nay, Hằng thường xuyên trò chuyện với trợ lý ảo do trí tuệ nhân tạo vận hành. Ban đầu chỉ là để hỏi thông tin nghề nghiệp, sau đó cô nàng bắt đầu kể về những bế tắc, cảm giác thất vọng, cả chuyện mất ngủ triền miên và nỗi sợ hãi mỗi lần phải gặp mặt người quen.
“AI không phán xét, không ngắt lời. Nó trả lời một cách khách quan, lắng nghe như một người bạn, giúp mình nhìn lại vấn đề bằng tâm thế khác”, Hằng nói.

Thanh Hằng dùng AI để giãi bày những khó khăn trong đời sống. (Ảnh: NVCC)
Câu chuyện của Hằng không phải là trường hợp cá biệt. Trong thế giới ngày càng kết nối nhưng cũng ngày càng cô lập, nhiều người trẻ đang tìm đến các công cụ trí tuệ nhân tạo như một kênh giải tỏa tinh thần — nơi các bạn có thể bộc lộ những cảm xúc chân thật nhất mà không lo bị hiểu lầm, đánh giá.
Ngọc Mai (22 tuổi, Nam Định) là sinh viên năm 3 Học viện Tài chính, nữ sinh mang vẻ ngoài vui tươi, tích cực nhưng luôn giấu trong lòng những mối lo âu không tên. Gần đây, sau khi chia tay bạn trai vì bất đồng quan điểm sống, cô nàng rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc nhẹ. Mai không tìm đến bạn bè để trút nỗi lòng vì “không muốn làm phiền người khác".
Thay vào đó, nữ sinh tìm đến ChatGPT. Cô nàng gọi AI là “cậu bạn buổi tối” – người mà Mai có thể tâm sự về những cảm xúc xáo trộn hậu chia tay hoặc đơn giản chỉ là sự trống rỗng sau một ngày dài:
“Chatbot này có cách phản hồi rất tinh tế. Nhiều khi còn khiến mình bật cười vì mấy câu nói đùa nhẹ nhàng. Nó không giải quyết vấn đề thay mình, nhưng giúp mình bình tĩnh lại,” Mai chia sẻ.
Một số nhóm cộng đồng trên mạng xã hội thậm chí đã hình thành quanh thói quen “trò chuyện thân mật với AI”, nơi các thành viên chia sẻ những đoạn hội thoại với chatbot như thể đang nhắn tin với người yêu cũ, một người bạn tri kỷ, hay một bác sĩ tâm lý giấu mặt.
Chỉ giúp "giảm đau" tạm thời
Thạc sĩ tâm lý học não bộ Nguyễn Nam Anh, Đại học California, Davis, Mỹ, nhận định rằng hiện tượng này phản ánh nhu cầu ngày càng lớn về chăm sóc sức khỏe tinh thần ở giới trẻ:
“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà việc nói về cảm xúc cá nhân đã trở nên dễ dàng hơn, nhưng đồng thời, các mối quan hệ lại trở nên mong manh và thiếu chiều sâu hơn trước. Người trẻ cần một nơi để ‘giải nén’ nhưng lại không dễ tìm được một người phù hợp để lắng nghe. AI, trong trường hợp này, xuất hiện như một giải pháp thay thế khá lý tưởng”, ông Nam Anh cho biết.

Thạc sĩ tâm lý học não bộ Nguyễn Nam Anh, Đại học California, Davis, Mỹ.
Theo ông, việc sử dụng chatbot để chia sẻ tâm sự có nhiều điểm tích cực: chi phí thấp, phản hồi nhanh, không bị ràng buộc thời gian, và đặc biệt là tạo ra cảm giác an toàn vì không bị tiết lộ danh tính, bị đánh giá.
Thực tế, nhiều người trẻ cho biết họ cảm thấy dễ viết ra nỗi lòng với một hệ thống máy móc hơn là phải đối diện với ánh mắt người khác. Việc “viết để thở” – một dạng viết nhật ký đối thoại với AI – đang trở thành phương pháp tự chữa lành phổ biến, giúp nhiều người tự soi chiếu nội tâm và xoa dịu cảm xúc.
Dù mang đến những lợi ích rõ rệt, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc lệ thuộc quá mức vào các công cụ AI trong quá trình chăm sóc sức khỏe tinh thần tiềm ẩn không ít rủi ro.
Thạc sĩ nhận định: “AI có thể là nơi trú ngụ tạm thời cho cảm xúc, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn được sự tương tác người thật. Việc chỉ trò chuyện với chatbot lâu dài có thể khiến người dùng thui chột khả năng giao tiếp, giảm dần động lực kết nối xã hội – vốn là yếu tố cốt lõi giúp phục hồi tâm lý.”
Ông cũng lưu ý rằng nếu không cẩn thận, người dùng có thể rơi vào ảo giác kết nối – cảm giác được thấu hiểu, đồng hành dù thật ra đang giao tiếp một chiều với một hệ thống được lập trình. Điều này có thể khiến người trẻ trì hoãn việc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết, dẫn đến hệ quả tâm lý kéo dài hoặc trầm trọng hơn.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc lạm dụng chatbot để trút tâm sự có thể gây ra nguy cơ rò rỉ thông tin nếu người dùng không kiểm soát quyền riêng tư, nhất là khi sử dụng chung thiết bị hoặc tài khoản.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh ví von: “Chatbot giống như một miếng băng cá nhân – giúp cầm máu tạm thời, giảm đau tức thì, nhưng để vết thương thực sự lành lại, vẫn cần sự chăm sóc đúng cách từ con người và chuyên môn.”
Ông khuyến khích người trẻ hãy dùng AI như công cụ hỗ trợ cảm xúc, không phải là điểm tựa duy nhất. Để nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần một cách bền vững, mỗi người nên chủ động tìm kiếm hoạt động mang tính kết nối như tham gia nhóm sở thích, câu lạc bộ, các buổi workshop, tình nguyện hoặc đơn giản là trò chuyện trực tiếp với bạn bè thân thiết.
“Khi thấy bản thân có dấu hiệu suy giảm tâm lý kéo dài như mất ngủ, ăn uống thất thường, mệt mỏi tinh thần hay cảm giác vô nghĩa trong cuộc sống, đừng ngần ngại tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý. Đó không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là bước đầu tiên để mạnh mẽ hơn”, ông nói thêm.