Vì sao người dân bức xúc với dự án nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua Yên Bái?
Một số hộ dân xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái phản ánh, Dự án nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua tỉnh Yên Bái đang ảnh hưởng lớn đến các gia đình sinh sống dọc hai bên con đường đang thi công. Thậm chí có lúc họ phải khênh cả giường chiếu lên đường vì nước tràn ngập vào nhà, gây cản trở giao thông.
Tối 29/7, trời đổ mưa lớn, nước và bùn từ rãnh thoát con đường đang thi công đã chảy thẳng vào nhà một số hộ dân xã Lương Thịnh sống bên dự án. Bà Triệu Thị Bình, người dân thôn Lương Thiện cho biết, đây không phải lần đầu tiên nước và bùn chảy vào nhà, không còn chỗ để, cực chẳng đã, gia đình phải mang bàn ghế, giường chiếu ra ngoài đường.
“Mỗi lần mưa to thì ngập úng hết cả nhà, hết cả trong buồng kia. Cứ mưa to lại ngập, khổ lắm, tôi mới hô con lôi lên đường. Không có chỗ nữa nên mới lôi lên đường, khênh giường ra, mang bàn ghế ra đường”, bà Bình than thở.
Trao đổi với phóng viên, anh Lý Hải Dương, người dân ở Lương Thịnh cho biết, hiện tại, không những con đường mới cao hơn nhà rất nhiều mà khoảng cách từ nhà đến đường chỉ khoảng 1,7m. Từ khi tuyến đường triển khai thi công đến nay, cứ trời mưa là nhà anh lại bị ngập, cả nhà luôn trong tình trạng lo lắng. Khổ hơn nữa là quán nước của anh không ai vào uống nước được nữa nên phải đóng cửa từ năm ngoái.
“Vấn đề này xảy ra từ đầu năm đến bây giờ, trận mưa nào cũng ngập, nước bùn ngập đến đầu gối, không có chỗ để ngủ nửa đêm rồi khiêng giường lên đường. Mong muốn của tôi bây giờ là yêu cầu mang bản đồ quy hoạch đến và xem quy hoạch đến đâu và trả lời là nhà tôi cách đường có hơn 1m như này thì nằm trên hành lang an toàn giao thông hay không? Nếu nằm trên hành lang an toàn giao thông thì yêu cầu lấy đất đến đâu thì đền bù đến đó”, anh Dương bức xúc.
Không bị nước chảy vào nhà nhưng chị Trần Thị Khuyên, một hộ kinh doanh cho biết, nhà chị trước đây cao hơn đường 30cm, việc thi công khiến nhà chị thấp hơn mặt đường hơn 1 mét, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt, đặc biệt là việc kinh doanh ga của gia đình bị sụt giảm hơn 50%. Chưa kể nhà chị dưới chân dốc, xe cộ chạy ầm ầm, nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Không chỉ gia đình chị mà hàng chục hộ dân nằm thấp hơn mặt đường, họ đã nhiều lần đề xuất được hỗ trợ nâng nền nhà lên bằng mặt đường để đảm bảo cuộc sống.
“Chủ tịch huyện về bảo là trả lời dân trước ngày 20/8, tôi mới bảo nếu trước ngày 20/8 mà không trả lời chúng tôi thỏa đáng thì đến ngày 21/8 chúng tôi lại cho giường và các thứ lên đường”, chị Khuyên nói.
Ông Hà Ngọc Tâm, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, Dự án nâng cấp Quốc lộ 37 khi thi công ảnh hưởng tới khoảng 15 - 16 hộ dân trong xã, chủ yếu là nhà bị thấp hơn so với mặt đường từ vài chục phân đến trên 3m. Từ đó, nhân dân cũng có ý kiến và địa phương cũng đã phối hợp với chủ đầu tư và ban quản lý dự án có giải pháp xử lý, hiện đang ở giai đoạn thống kê, chưa hoàn thiện.
Vào ngày 29/7, do có mưa cục bộ nên đã gây ngập một số hộ dân do rãnh thoát nước đang thi công chưa hoàn thiện, nhân dân bức xúc nên đã gây cản trở giao thông. Thường trực UBND xã và MTTQ cùng các lực lượng đoàn thể đến giúp đỡ nhân dân khắc phục và tuyên truyền để nhân không cản trở giao thông. Đến 8h sáng, nhân dân thu dọn đồ đạc. Sau đó, UBND huyện Trấn Yên đã có buổi làm việc và nhân dân cũng đồng tình về các hướng đưa ra buổi làm việc ấy. Nhà thầu cũng đã vào xử lí rãnh và hỗ trợ vệ sinh giúp người dân ổn định cuộc sống.
“Đối với xã thì cũng đề nghị chủ đầu tư, đề nghị các cơ quan có chức năng, thẩm quyền xem xét thực tế sau khi hình thành con đường; trong phạm vi ảnh hưởng của việc thi công thì cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sớm giải quyết cho người dân để đảm bảo ổn định cuộc sống, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”, ông Tâm chia sẻ.
Nước từ đường ào ào đổ xuống
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án đầu tư Nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Km280+00 - Km340+00 được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2009. Qua 2 lần điều chỉnh vào các năm 2020 và 2021, dự án có tổng mức đầu tư hơn 427 tỷ đồng.
Dự án đang được đánh giá là chậm tiến độ, một phần nguyên nhân là do còn nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý với phương án đền bù, di dời mà Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư đưa ra.
Nước chảy xuống khu vực nhà dân
Chính quyền địa phương nói gì về những ảnh hưởng của dự án tới đời sống người dân và có những giải pháp gì để tháo gỡ? Phóng viên VOV sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.