Vì sao người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến?
Theo khuyến nghị của chuyên gia, cần phải cải thiện chất lượng các thủ tục hành chính công trực tuyến, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận.
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2019 vừa được chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc công bố đã nêu bật những tiến bộ trong quản trị điều hành và hành chính công trong năm vừa qua. Cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Tỷ lệ người dân tin tưởng và quyết tâm chống tham nhũng tăng 5% so với năm 2018.
Tuy nhiên, điểm số của lĩnh vực thủ tục hành chính công gần như không thay đổi, thậm chí còn giảm so với những năm trước. Theo báo cáo PAPI 2019, mức độ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính công như cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục hành chính cấp xã, phường không cao, đứng cuối bảng trong 8 chỉ số thành phần khảo sát. Trong khi đó năm 2019, các địa phương đã cung cấp hơn 43.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, con số này ở các bộ ngành là hơn 1.700 dịch vụ.
Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Không cải thiện
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại điện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tiếp tục tinh giản thủ tục hành chính và thúc đẩy Chính phủ điện tử cần phải được ưu tiên trong Chương trình nghị sự cải cách của Chính phủ. Người dân trả lời khảo sát PAPI cho rằng, các nỗ lực tinh giản thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa” có tác động đến người dân ở mức độ thấp hơn so với tác động đối với doanh nghiệp. Người dân cũng thể hiện mức độ hài lòng kém hơn về việc sử dụng thủ tục hành chính so với năm 2018. Cần có vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và các biện pháp quyết liệt để hiện đại hóa khu vực hành chính công”.
Theo khảo sát của PAPI, năm 2016 có khoảng 6% người dân thực hiện cấp giấy chứng nhận trên mạng, 11% cho các thủ tục hành chính khác. Những con số này đến năm 2019 cũng không cải thiện. Ngoài ra, mức độ hài lòng của người dân về thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến cũng không tốt hơn so với phương thức truyền thống.
Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng – đơn vị tham gia khảo sát PAPI, cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều đột phá, nhưng sự đột phá đó chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
“Chúng ta chưa thực sự quyết liệt để làm sao cho thủ tục hành chính công thuận tiện hơn cho người dân, được điện tử hóa thông tin đến người dân nhiều hơn. Rõ ràng, ngoài điểm được của “một cửa” ra, chúng ta vẫn còn nhiều đất để tiến bộ lên trong tương lai”- ông Giang chia sẻ.
Để người dân hài lòng, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, các chuyên gia PAPI khuyến nghị Chính phủ ra mắt Cổng Dịch vụ công Quốc gia vào tháng 12 năm ngoái, đánh dấu một bước quan trọng trong định hướng đúng đắn này. Tuy nhiên cần có những giải pháp khuyến khích người dân truy cập và hưởng lợi từ việc chuyển sang sử dụng các dịch vụ công trực tuyến như đối với khu vực doanh nghiệp.
Cần cải thiện chất lượng thủ tục hành chính công trực tuyến
Ông Paul Schuler, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho rằng: “Thứ nhất cần phải nỗ lực hơn để mở rộng việc đưa thủ tục hành chính công lên mạng. Thứ hai là cần phải cải thiện được chất lượng các thủ tục hành chính công trực tuyến để giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ này hơn. Nếu như chúng ta làm được hai điều này thì sẽ cải thiện được chỉ số mà thủ tục hành chính công hiện nay đang tụt hậu so với các chỉ số khác”.
Việc nghiên cứu, phân tích các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân là một kênh thông tin quan trọng, không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở mà còn là chỉ báo về hoạt động quản trị và hành chính công cấp tỉnh, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong những năm tiếp theo, PAPI sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề quan trọng Việt Nam cần giải quyết để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu trách nhiệm giải trình đối với người dân cũng như đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy còn nhiều điều phải làm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện thủ tục hành chính công nhưng có một thực tế không thể phủ nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan đơn vị đã đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến nhằm đem lại sự thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp, chung tay cùng chính phủ phòng chống dịch.
Các tỉnh miền núi: Gian nan thực hiện thủ tục hành chính công
Trong 2 tháng đầu năm nay đã có hơn 3 triệu lượt hồ sơ được người dân và các tổ chức doanh nghiệp lựa chọn theo hình thức tiếp nhận tại các bưu cục, tại nhà và nhận kết quả tại địa chỉ yêu cầu, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, điển hình như thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 600.000 hồ sơ, Hà Nội trên 300.000 hồ sơ, Bình Dương gần 98.000 hồ sơ.
Với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhiều người dân tỏ ra hài lòng vì có thể giải quyết công việc và nhận kết quả tại nhà mà không phải trực tiếp tới các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong thời gian cách ly xã hội. Các thủ tục hành chính được quy trình hóa trên hệ thống phần mềm hồ sơ, thủ tục được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả. Sự chuyên nghiệp trong quy trình giải quyết hồ sơ điện tử không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng hài lòng. Nhờ dịch vụ công trực tuyến mà người dân, doanh nghiệp hạn chế đi lại, hạn chế đến nơi đông người, chỉ cần có smartphone hoặc máy tính có kết nối mạng là có thể giải quyết được công việc.
Dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tại Nghị quyết số 17 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020 định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4- mức độ người dân chỉ cần ở nhà đăng ký dịch vụ, kết quả sẽ được trả về tận nhà mà không phải đến các cơ quan chức năng nhận lại giấy tờ.
Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và các tổ chức khi đi giải quyết các thủ tục hành chính mà các hoạt động giải quyết hành chính của cơ quan nhà nước cũng minh bạch hơn, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cơ quan công quyền, góp phần phòng chống tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng. Đồng thời, cải cách hành chính của đất nước toàn diện hơn.
Tuy nhiên nhìn lại có thể thấy những tỉnh, thành phố đạt con số sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chỉ rơi vào một số thành phố lớn. Với những tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều bất cập, gian nan trong việc ứng dụng công nghệ khi mà Internet chưa được phủ rộng, trang thiết bị ở các cơ quan công sở ở xã, huyện còn lạc hậu, chưa đầy đủ và người dân vẫn còn chưa thuần thục các cách thức giao dịch qua mạng. Thế nên tại các bộ phận một cửa vẫn còn nhiều người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính cho dù những thủ tục ấy đã được điện tử hóa đến cấp 4 – cấp mà họ chỉ việc ngồi ở nhà để thực hiện các thao tác trên máy tính rồi nhận kết quả tại nhà.
Như vậy, kỳ vọng về một Chính phủ điện tử, về dịch vụ hành chính công mức độ 3, mức độ 4 sẽ không thể thành hiện thực nếu như những điều kiện cần và đủ vẫn đang ở cấp độ 1 hay 2./.