Vì sao người dân, doanh nghiệp 'ngại' vay vốn ngân hàng

Những ngày gần đây, mức lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đã 'hạ nhiệt', người dân, doanh nghiệp (DN) đã dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD). Tuy nhiên, do tác động của thị trường, tình hình SXKD gặp nhiều khó khăn nên nhiều người dân, DN vẫn còn tâm lý 'ngại' vay vốn…

Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc chủ động đưa ra các chương trình vay vốn ưu đãi, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế. Ảnh: Đức Chung

Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc chủ động đưa ra các chương trình vay vốn ưu đãi, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế. Ảnh: Đức Chung

Theo chia sẻ của một số người dân và lãnh đạo các DN trên địa bàn, vấn đề cốt lõi hiện nay của họ là làm thế nào tìm kiếm được đơn hàng mới để duy trì sản xuất, gồng mình vượt qua giai đoạn khó khăn. Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất ra hàng hóa nhưng sức tiêu thụ chậm khiến họ chưa thể tính toàn lâu dài, bởi “đổ tiền” đầu tư vào thời điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, mặc dù lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với trước khiến người dân, DN vẫn phải dè dặt khi vay vốn mở rộng SXKD.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, tích cực hỗ trợ cho người dân, DN phục hồi SXKD, thúc đẩy tăng trưởng, mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng giảm lãi suất điều hành ngay từ cuối tháng 6/2023, áp dụng giảm lãi suất điều hành từ 0,25 - 0,5%.

Mặc dù chưa thể kéo giảm lãi suất cho vay xuống sâu do độ trễ của chính sách nhưng việc này sẽ khiến cho xu hướng mặt bằng lãi suất trên thị trường tiếp tục "hạ nhiệt".

Tại thời điểm này, các Ngân hàng lớn như Agribank, VietcomBank, VietinBank, BIDV… niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 4,1%, kỳ hạn 6 tháng xuống 5%, kỳ hạn 12 và 24 tháng xuống 6,3%/năm.

Tương tự như vậy, BacABank giảm 0,2% lãi suất ở một số kỳ hạn như 6 tháng, lãi suất huy động giảm từ 7,6% xuống 7,45%; kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 7,8% xuống 7,6%; kỳ hạn 24 tháng lãi suất huy động giảm từ 7,9% xuống 7,7%/năm...

Bà Dương Thị Huệ, chủ một cơ sở sản xuất hàng may mặc ở phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cho biết: Việc các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đồng loạt giảm lãi suất đã tạo ra nhiều tác động tích cực không chỉ cho nền kinh tế mà còn giúp hoạt động SXKD của người dân, DN đạt hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không thôi vẫn là chưa đủ để người dân, DN có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hiện người dân, DN rất cần Chính phủ, chính quyền địa phương có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của thị trường trong và ngoài nước như thúc đẩy sức mua, hỗ trợ liên kết tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới, đảm bảo chuỗi cung ứng… Có như vậy, người dân, DN mới mạnh dạn vay vốn để mở rộng SXKD.

Lý giải tại sao lại có tình trạng người dân, DN “ngại” vay vốn như hiện nay, lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho rằng, thời điểm hiện tại, nhiều DN, đặc biệt là các DNNVV trên địa bàn đều muốn vay vốn nhưng một số đơn vị lại không chứng minh được điều kiện để trả nợ mà nguyên tắc hoạt động của các tổ chức tín dụng là muốn vay thì phải chứng minh được khả năng trả nợ.

Các DN nhỏ thường thiếu phương án SXKD khả thi, tính liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế. Ngoài ra, thông tin về tình hình tài chính của DN nhỏ còn thiếu minh bạch khiến việc thẩm định của các ngân hàng gặp khó khăn.

Các ngân hàng luôn mong muốn cung ứng nguồn vốn nhưng đều phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng. DN thì bị giảm đơn hàng, thậm chí sản xuất ra nhưng không bán được sản phẩm; người dân chủ yếu vay để mua các sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống, nhưng gần đây đã có dấu hiệu “cạn tiền” nên tín dụng tiêu dùng đã giảm đáng kể.

Điều quan trọng nhất hiện nay để giúp người dân, DN mở rộng đầu tư, SXKD là cần khôi phục thị trường. Trong đó, hỗ trợ khơi thông thị trường trong nước bằng các chính sách kích cầu tiêu dùng như miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí.

Cần có những giải pháp mạnh để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách đang cản trở một số hoạt động SXKD của người dân, DN. Cùng với đó, giải quyết đầu ra cho DN thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước.

Khi người dân, DN gửi tiền vào ngân hàng nhiều thì ngân hàng sẽ đề cao trách nhiệm cho vay đúng đối tượng có nhu cầu thực để góp phần kích thích sản xuất, kích cầu tiêu dùng có hiệu quả.

Tìm hiểu thực trạng tại một số DNNVV trên địa bàn tỉnh, điều dễ nhận thấy là, nhu cầu vay vốn từ ngân hàng để mở rộng phát triển SXKD không còn là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, các DN này chỉ quan tâm làm sao có thể duy trì sản xuất, làm sao có thể bán được hàng, tìm kiếm đơn hàng mới… chứ không ưu tiên đầu tư mở rộng sản xuất bởi tính hiệu quả không cao, rủi ro lớn.

Anh Đ.Đ.D, chủ một DN chuyên sản xuất khuôn đúc kim loại ở xã Quất Lưu (Bình Xuyên) cho biết: Thường các DN nhỏ có nhu cầu vay vốn cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mức tiêu thụ của thị trường khó khăn khiến đơn vị phải cơ cấu lại các phân xưởng để duy trì sản xuất.

Vì vậy, dù lãi suất ngân hàng đã giảm thì DN cũng không có nhu cầu, bởi có vay được nhưng không thể phát triển trong giai đoạn khó khăn như hiện nay là điều không hợp lý. Tại thời điểm này, DN chọn hướng “tự thân vận động”, chờ đến khi kinh tế, thị trường ổn định và lãi suất ngân hàng giảm sâu hơn nữa thì mới tính đến việc mở rộng SXKD.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96444//vi-sao-nguoi-dan-doanh-nghiep-%E2%80%9Cngai%E2%80%9D-vay-von-ngan-hang