Vì sao người dân dựng lán, phản đối thi công bãi rác?
Cho rằng bãi tập kết rác sau khi hoàn thành sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhiều ngày qua, rất đông người dân tụ tập, phản đối dự án. Về phía chính quyền địa phương khẳng định bãi tập kết rác là phù hợp với quy hoạch, đúng quy định...
Dựng lán phản đối
Ngày 21/4, ông Bùi Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho biết, hàng chục hộ dân tại thôn 1 Bình Hòa, thôn 3 Bình Hòa, thôn 5 Bình Hòa và thôn Vinh đang có mặt tại lều trại để phản đối việc xây dựng bãi rác. Theo ông Tú, sự việc kéo dài từ nhiều ngày nay.
"Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương báo cáo lên huyện, đồng thời tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được mục đích, tầm quan trọng của dự án", Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình nói.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến sự việc này, vào sáng ngày 17/4, UBND xã Cẩm Bình đưa máy móc đến khu vực thôn 5 Bình Hòa để tổ chức thi công dự án Bãi tập kết và xử lý rác thải. Khi phát hiện sự việc trên, hàng chục hộ dân tại 5 thôn ở xã Cẩm Bình kéo nhau tới ngăn cản, phản đối việc thi công.
Người dân cho rằng bãi rác nằm gần khu dân cư, khi làm xong sẽ phát tán mùi hôi, ruồi nặng và làm ô nhiễm nguồn nước ở đầu nguồn núi Ma Mường - khu Đá Bạc. Cùng với đó, bãi rác được quy hoạch nằm gần nghĩa địa, là nơi an nghỉ của hàng trăm người đã khuất trong xã.
Ông Triệu Văn Tài (67 tuổi, trú thôn Bình Sơn), có nhà cách khu vực đang thi công bãi rác khoảng 200m cho biết, nếu dự án làm xong và đi vào hoạt động, gia đình có nguy cơ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. "Nơi làm bãi rác nằm sát chân núi, lại ở đầu mạch nước ngầm, ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân đang dùng để sinh hoạt. Nếu bãi này đi vào hoạt động, ô nhiễm mùi, ô nhiễm nguồn nước là khó tránh được. Hiện thực cho thấy, cuộc sống của người dân bên cạnh bãi rác rất khổ. Mong chính quyền địa phương tính toán lại, đặt bãi rác ở cách xa khu dân cư hơn", ông Tài cho biết.
Cùng quan điểm với ông Tài, ông Lê Văn Phượng (93 tuổi, trú thôn 5 Bình Hòa) cho biết, năm 2023, xã nhiều lần họp dân, khẳng định bãi này chỉ xử lý và trung chuyển chứ không đốt rác. Người dân không tin và không đồng thuận vì hồ sơ đã nêu rõ là bãi xử lý rác thải, nếu làm xong mà chính quyền cho đốt rác thì khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo ông Phượng, việc xây dựng bãi rác dưới chân đồi Ma Mường tiềm ẩn rất nhiều vấn đề, từ môi trường cho tới tâm linh. Trong khi, tại địa phương, còn rất nhiều vị trí khác phù hợp, cách xa khu dân cư hơn nhưng xã lại không lựa chọn. Điều này làm người dân rất khó hiểu và không đồng tình.
"Trước đó, nhân dân có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng đề nghị không quy hoạch hoặc đầu tư xây dựng bãi tập kết rác ở đây. Nguyện vọng của người dân vẫn nhất trí làm bãi rác thải nhưng không phải tại vị trí như hiện nay", ông Phượng nói.
Phù hợp quy hoạch?
Được biết, dự án Bãi tập kết và xử lý rác tại xã Cẩm Bình có diện tích 5.000m2, tổng mức đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng, do UBND xã này làm chủ đầu tư. Dự án này có tên là Bãi tập kết và xử lý rác thải nhưng thực chất chỉ tập kết và trung chuyển rác chứ không xử lý tại chỗ.
Theo chính quyền địa phương, việc xây dựng bãi rác tại đồi Ma Mường - khu Đá Bạc là phù hợp với với quy hoạch sử dụng đất tại xã Cẩm Bình vì nơi đây là trung tâm giữa các thôn giáp ranh (thôn Xanh, thôn Bình Sơn, thôn 1 Bình Hòa, thôn 3 Bình Hòa, thôn 5 Bình Hòa, thôn Vinh) và tạo điều kiện thuận lợi cho các thôn (thôn Chợ, thôn Tô, thôn Sẻ, thôn Hạc Sơn và thôn Bình Yên) vận chuyển thu gom rác về khu tập kết và xử lý rác.
Về vấn đề tâm linh, chính quyền địa phương xác định làm con đường dài gần 800m, nối từ đường dân sinh trực tiếp đến thẳng bãi rác, không đi qua nghĩa địa.
Ngày 21/4, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết, ngày 17/4, UBND xã Cẩm Bình báo cáo về sự việc. Trong chiều cùng ngày, UBND huyện Cẩm Thủy dự định tổ chức đối thoại với người dân nhưng do chỉ có 13 người tham dự nên cuộc họp phải hủy. Hiện người dân phản đối nên chính quyền tạm thời dừng xây dựng để tiếp tục tuyên truyền, đối thoại, vận động người dân ủng hộ thực hiện dự án.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, hôm nay (ngày 21/4) chỉ còn vài chục người dân tụ tập phản đối, không còn đông như trước. "Đây là bãi tập kết rác để vận chuyển đi nơi khác, phía dưới đổ bê tông, có hệ thống thu gom nước vào bể, qua 3 hồ lắng lọc... Hiện UBND huyện đang kêu gọi đầu tư nhà máy rác vì tất các các xã nông thôn mới sẽ không được chôn lấp rác thải như trước, chỉ có tập kết rồi đưa về nhà máy xử lý, để tránh gây ô nhiễm môi trường", ông Nguyễn Tiến Lực cho biết.