Vì sao người dân ngăn không cho xe ra vào cảng quốc tế Vissai?
Liên quan đến việc nhiều người dân tập trung đông người, trong đó có cả trẻ em, dựng lều bạt trên khu vực con đường chính dẫn vào cảng biển quốc tế Vissai đóng ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, ngăn không cho xe tải ra vào cảng, chính quyền địa phương và các bên đã tổ chức đối thoại và thống nhất nhiều vấn đề liên quan…
Nhiều kiến nghị từ phía người dân
Cầu cảng Vissai số 1 dài 2000m được đưa vào vận hành từ tháng 10/2017, đóng ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Hiện cầu cảng đang phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi măng của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam đến các vùng miền trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 2, cụm cảng này đang xây dựng thêm 2 bến cảng tổng hợp, trở thành một cảng biển quốc tế đa dụng. Thuận lợi của vùng biển nơi đây là có độ sâu tự nhiên 9m, sau khi nạo vét luồng lạch có thể phục vụ cho tàu trên 100.000 tấn cập cảng.
Tuy nhiên, trong 2 ngày 24 và 25/6, những chiếc xe tải chở xi măng từ huyện Đô Lương phải nằm dài trên đường do người dân ngăn cản không cho vào cảng. Lực lượng cảnh sát trật tự, giao thông Công an huyện Nghi Lộc được tăng cường tới để đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đến trưa 25/6, nhiều người dân thay phiên nhau về nhà ăn cơm để túc trực trước khu vực này, không cho xe tải vào trong cảng Vissai.
Nguyên nhân vụ việc được cho là người dân không đồng tình về những vấn đề tái định cư, lo sợ ảnh hưởng môi trường xung quanh dự án. Mặt khác, người dân ở đây cũng cho rằng nhà đầu tư hứa hỗ trợ xây nhà văn hóa của các cấp ngành cho xóm Bắc Thịnh và Nam Thịnh (nay nhập lại thành xóm Hải Thịnh) từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhà văn hóa của xóm hiện quá chật và đang trong tình trạng xuống cấp. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong diện phải di dời do ảnh hưởng của dự án xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng biển quốc tế Nghi Thiết (thuộc Công ty cổ phần xi măng Sông Lam) đang mòn mỏi chờ việc di dời, tái định cư. Vì vậy cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, khi phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa xuống cấp, không thể sửa chữa và sống quá gần khu vực trạm nghiền. Thời gian qua, người dân đề nghị thực hiện cam kết xây dựng một bến đậu, tránh trú an toàn cho hơn 150 tàu thuyền của ngư dân xóm Hải Thịnh nhưng đến nay vẫn chưa được xúc tiến. Bên cạnh đó, gần đây nhiều hộ dân của xóm Hải Thịnh phản ánh lên chính quyền địa phương về sự lo sợ ô nhiễm môi trường khi Công ty cổ phần xi măng Sông Lam đang xây dựng bến bãi chứa than ở vùng cảng tổng hợp.
Đối thoại, giải quyết dứt điểm
Trước tình hình đó, đại diện chính quyền địa phương, các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện Nghi Lộc, Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam cùng lãnh đạo Công ty cổ phần xi măng Sông Lam Nghệ An - đơn vị vận hành cảng Vissai - đã có buổi đối thoại với người dân về những vấn đề tái định cư môi trường xung quanh dự án.
Liên quan đến các vấn đề người dân phản ánh, lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc cho biết, do nhiều nguyên nhân nên công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án trạm nghiền xi măng và cảng biển Nghi Thiết có chậm tiến độ so với dự kiến. Hiện nay, huyện đã xác định được vùng đất và đang xúc tiến việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Về nhà văn hóa của xóm Hải Thịnh, do quá trình sáp nhập xóm nên xã tính toán, thuê dự toán, thiết kế lại việc xây dựng cho phù hợp. Nhưng đến nay, huyện vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể từ xã Nghi Thiết để có thể phối hợp với các cấp, ngành huy động nguồn lực đầu tư.
Về việc lo lắng của bà con khi Công ty cổ phần xi măng Sông Lam triển khai bến than tại khu vực cảng biển, đại diện công ty khẳng định đơn vị đang xây dựng và đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, đây là khu vực trung chuyển, chứ hoàn toàn không đốt than như mọi người lo lắng. Sản xuất phải đảm bảo an toàn môi trường là một trong những tiêu chí được công ty luôn quán triệt thực hiện. Quá trình xây dựng và vận hành, công ty luôn đảm bảo các tiêu chí theo quy định đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Nghệ An cho biết đơn vị này đã tổ chức buổi đối thoại với người dân để giải quyết các kiến nghị về quá trình xây dựng, hoạt động của dự án trạm nghiền xi măng và cảng biển Vissai đóng ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.
Theo đó, sau khi xem xét, kiểm tra hiện trạng cho thấy việc xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền công nghệ sàng tuyển, phối trộn than đá tại khu vực nêu trên không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường tới khu dân cư. Việc này có thể có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, không khí (bụi) và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vùng phụ cận và không phù hợp với công năng, tính chất của khu vực hậu cảng. Vì vậy, yêu cầu Công ty cổ phần xi măng Sông Lam không thực hiện xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá tại khu vực hậu cảng bến số 4, 5 và 6. Khẩn trương tháo dỡ máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá khu vực nêu trên. Yêu cầu hoàn thành trước 16h chiều 28/6. Sau thời hạn trên không hoàn thành thì Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp UBND huyện Nghi Lộc tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ.
Về kiến nghị xây dựng Nhà văn hóa xóm Hải Thịnh, đề nghị UBND huyện Nghi Lộc chủ trì, chỉ đạo UBND xã Nghi Thiết, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định bằng nguồn vốn ngân sách huyện, đảm bảo khởi công xây dựng trước ngày 31/10. Đề nghị Công ty cổ phần xi măng Sông Lam hỗ trợ trang thiết bị (theo quy định) phục vụ công trình để đảm bảo đưa công trình vào sử dụng có hiệu quả, thiết thực.
Về việc xây dựng khu tái định cư, di dời 9 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng, UBND huyện Nghi Lộc chỉ đạo UBND xã Nghi Thiết và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư trước ngày 30/11. Về kiến nghị xây dựng, nâng cấp bến neo đậu thuyền: Công ty cổ phần xi măng Sông Lam chủ trì, phối hợp UBND huyện Nghi Lộc, UBND xã Nghi Thiết khảo sát, xác định quy mô dự án phù hợp với thực tiễn nhu cầu sử dụng đánh bắt hải sản. Lập dự án đầu tư với hình thức xã hội hóa và hoàn thành chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2023.
Sau buổi đối thoại và thống nhất những nội dung trên với cơ quan chức năng, đến hơn 12h trưa 25/6, người dân xóm Hải Thịnh đã giải tán, thông tuyến cho hàng chục chiếc xe tải bị chặn.