Vì sao người trên 80 tuổi 'siêu minh mẫn'?
Bà Carol Siegler là một 'SuperAger' vì sở hữu khả năng nhận thức và bộ não nhạy bén như những người trẻ hơn bà 20 - 30 tuổi.
Bà là thành viên của Chương trình Nghiên cứu Siêu lão hóa thuộc Trung tâm Mesulam về Thần kinh Nhận thức và bệnh Alzheimer (Đại học Northwestern). Tại đây, những người cao tuổi có trí nhớ vượt trội đã được nghiên cứu trong 14 năm.
Thế nào là một SuperAger?
“SuperAger” là một thuật ngữ do các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern (Mỹ) tạo ra chỉ người cao tuổi siêu minh mẫn. Để được coi là SuperAger, một người trên 80 tuổi phải trải qua bài kiểm tra nhận thức sâu rộng. Việc nghiên cứu một SuperAger chỉ diễn ra nếu trí nhớ của người đó ít nhất ngang những người bình thường về mặt nhận thức ở độ tuổi 50 và 60.
Giáo sư tâm thần học Emily Rogalski của Trường Y khoa Feinberg (Đại học Northwestern) cho biết, những SuperAger được yêu cầu phải có trí nhớ theo từng giai đoạn thực sự xuất sắc. Đó là khả năng nhớ lại các sự kiện hàng ngày và trải nghiệm cá nhân trong quá khứ. Tuy nhiên, sau đó những SuperAger này chỉ cần có hiệu suất ít nhất ở mức trung bình trong các bài kiểm tra nhận thức khác.
Là người phát triển dự án SuperAger, GS Emily Rogalski cho biết chỉ khoảng 10% người đăng ký tham gia chương trình đáp ứng được các tiêu chí trên. Theo bà, điều quan trọng là khi so sánh những SuperAger với những người cao tuổi bình thường, họ đều có mức IQ tương tự nhau, vì vậy sự khác biệt mà chúng ta thấy không chỉ do trí thông minh.
Sau khi được chấp nhận vào nghiên cứu, những SuperAger được quét não 3D và kiểm tra nhận thức hàng năm hoặc lâu hơn. Phân tích dữ liệu trong nhiều năm đã mang lại những kết quả hấp dẫn.
Có tế bào thần kinh lớn hơn
Bộ não của hầu hết mọi người co lại khi họ già đi. Tuy nhiên, ở SuperAger, nghiên cứu chỉ ra rằng họ sở hữu vỏ não, vốn chịu trách nhiệm về suy nghĩ, ra quyết định và trí nhớ, vẫn dày hơn nhiều và co lại chậm hơn so với những người ở độ tuổi 50 - 60.
Bộ não của một SuperAger cũng có các tế bào thần kinh lớn hơn, khỏe mạnh hơn ở vỏ não nội khứu (entorhinal cortex - chỗ kết nối mạnh mẽ và đối ứng với nhiều cấu trúc vỏ não, dưới vỏ và thân não).
Những người tham gia thường hiến tặng não cho chương trình nghiên cứu sau khi họ qua đời. Bà Tamar Gefen, một trợ lý giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Northwestern, cho biết đây là một trong những khu vực đầu tiên của não bộ bị bệnh Alzheimer tấn công.
Vỏ não nội khứu có kết nối trực tiếp với một trung tâm trí nhớ quan trọng khác là vùng hải mã vốn rất cần thiết cho trí nhớ và học tập. Nghiên cứu cũng cho thấy bộ não của SuperAger có số lượng đám rối sợi thần kinh (đám rối Tau, còn gọi là sự hình thành protein bất thường trong các tế bào thần kinh) ít hơn 3 lần so với bộ não của người khỏe mạnh bình thường về mặt nhận thức. Rối Tau là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác.
Các tế bào thần kinh lớn hơn trong vỏ não nội khứu của SuperAger cho thấy chúng có cấu trúc vững chắc hơn, có lẽ có thể chịu được sự hình thành đám rối sợi thần kinh. Theo bà Gefen cũng phát hiện ra rằng bộ não của SuperAgers có nhiều tế bào thần kinh von ecomo hơn. Đây là một loại tế bào não hiếm, được đánh giá là cho phép giao tiếp nhanh chóng trên não.
Các tế bào thần kinh von economo được tìm thấy ở vỏ não vành đai trước, tạo thành một vòng đai ở phía trước não liên kết phần nhận thức, lý trí với phần cảm xúc, cảm giác. Vành đai trước được cho là rất quan trọng để điều chỉnh cảm xúc và chú ý - một chìa khóa khác để có trí nhớ tốt.
Kết hợp lại với nhau, những khám phá này dường như chỉ ra mối liên hệ di truyền để trở thành một SuperAger, bà Gefen nói. Tuy nhiên, bà cho biết thêm, cách duy nhất để xác nhận liệu các SuperAger có được sinh ra với các tế bào thần kinh bên trong lớn hơn hay không là đo các tế bào thần kinh này từ khi sinh ra cho đến khi chết. Tuy nhiên, đây là điều không thể thực hiện.
Tầm quan trọng của môi trường
Sống ở vùng ngoại ô Palatine, bang Chicago, năm nay bà Carol Siegler đã 85 tuổi. Bà là người tích cực tham gia hoạt động tình nguyện, tập thể dục tại phòng tập vài ngày mỗi tuần, thường xuyên giao lưu với bạn bè và gia đình, đọc đủ thứ sách và chơi ô chữ hàng ngày. Tuy nhiên, bà vẫn cảm thấy buồn chán.
GS Emily Rogalski cho biết SuperAgers có những đặc điểm tương tự nhau. Họ đều duy trì hoạt động thể chất, có xu hướng tích cực, thách thức bộ não của mình mỗi ngày, đọc hay học một cái gì đó mới mẻ và nhiều người vẫn tiếp tục làm việc ở độ tuổi 80.
SuperAgers cũng là những người được bao quanh bởi gia đình và bạn bè, đồng thời thường tham gia các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng.
Nhìn lại cuộc đời mình, bà Carol Siegler nhận ra mình có nhiều đặc điểm của một SuperAger. Khi còn nhỏ bà đã tự học đánh vần và chơi piano. Bà học đọc tiếng Do Thái, nghiền ngẫm tuần báo tiếng Yiddish của ông mình. Bà tốt nghiệp trung học năm 16 tuổi và ngay lập tức vào đại học.
Siegler lấy bằng phi công năm 23 tuổi, sau đó bắt đầu công việc kinh doanh của gia đình và phát triển nó lên tới 100 nhân viên. Ở tuổi 82, bà giành chiến thắng trong Giải đấu ô chữ của Mỹ dành cho nhóm tuổi của mình. Đây là giải đấu mà bà nói rằng bà đã tham gia “như một trò đùa”. Bà Siegler cho rằng được chọn làm SuperAger là một điều rất thú vị, nhưng bà biết mình đã may mắn.
Theo CNN
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-nguoi-tren-80-tuoi-sieu-minh-man-post622694.html