Vì sao người trưởng thành thấy Giáng sinh đến nhanh hơn

Đã bao giờ bạn hoang mang khi thấy thoáng chốc đã đến dịp lễ hội cuối năm? Thực tế, đây là tâm lý dễ gặp khi chúng ta lớn lên.

 Khác với trẻ nhỏ, người trưởng thành luôn thấy các dịp lễ hội đến và đi nhanh hơn. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.

Khác với trẻ nhỏ, người trưởng thành luôn thấy các dịp lễ hội đến và đi nhanh hơn. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.

Trong ký ức của nhiều người, những dịp lễ hội, điển hình là Giáng sinh, mất rất lâu để quay trở lại. Họ luôn trong tâm thế trông ngóng những món quà và ông già Noel.

Tuy nhiên, điều này thay đổi hoàn toàn khi họ lớn lên. Bữa tiệc mùa hè trên bãi biển chuyển chuyển sang không khí sum họp, quây quần gia đình ngày cuối năm.

Nếu cũng đang cảm thán vì Giáng sinh thường tới thật nhanh, bạn không đơn độc. Theo khảo sát trên 918 người trưởng thành của đại học Liverpool John Moores (Anh), 77% thừa nhận luôn bối rối với suy nghĩ “Noel lại đến rồi sao”.

Dưới đây là một số cách giải thích ở góc độ khoa học từ The Conversation về hiện tượng tâm lý này.

Dấu hiệu của lão hóa

Khi già đi, con người ngày càng thấy tốc độ trôi của thời gian tăng nhanh hơn. Bởi với đứa trẻ 7 tuổi, khoảng cách giữa 2 kỳ Giáng sinh rất lớn.

Trong khi đó, 12 tháng chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời của người đã sống 30 năm. Chính sự khác biệt về tỷ lệ này đã hình thành tâm lý trên.

Trải nghiệm về thời gian cũng thay đổi vì chúng ta dựa vào trí nhớ để ước tính. Thông thường, con người sẽ “đếm” kỷ niệm đã có nhằm xác định thời gian trôi lâu - mau.

Sự hào hứng giảm sút

Càng già đi, trải nghiệm Giáng sinh thường quen thuộc thay vì có nhiều điểm nhấn như trước. Thiếu cảm xúc háo hức và sự kích thích, não bộ sẽ tự động đánh dấu đấy là quãng thời gian ngắn ngủi.

Bên cạnh đó, trí nhớ của người trưởng thành cũng dễ sai sót mỗi khi chúng ta nhớ lại những trải nghiệm có tính lặp lại. Các yếu tố này kết hợp khiến chúng ta luôn có cảm giác Giáng sinh sẽ đến và đi mà không để lại mong đợi gì.

 Nhiều người lớn xem Giáng sinh là dịp bận rộn, khó tận hưởng niềm vui. Ảnh: Julia Larson/Pexels.

Nhiều người lớn xem Giáng sinh là dịp bận rộn, khó tận hưởng niềm vui. Ảnh: Julia Larson/Pexels.

Ít mong chờ

Một yếu tố khác khiến bạn cảm thấy Giáng sinh đến quá nhanh là đặt khá ít sự trông đợi vào nó.

Đối với nhiều trẻ em, Giáng sinh được cho là sự kiện được chờ đợi háo hức nhất trong năm. Chúng thường chú ý rất nhiều, thậm chí còn đếm ngược đến đêm 24/12.

Ngược lại, người trưởng thành lại ít chú ý đến thời gian. Đó là cách khiến mọi thứ trôi nhanh hơn. Hiệu ứng này có thể đặc biệt rõ rệt sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19. Mọi người có xu hướng làm việc dồn dập, bận rộn hơn để khôi phục kinh tế, và lễ hội không là mối quan tâm hàng đầu.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cũng ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về thời gian. Những tiến bộ điện tử giúp con người đẩy nhanh tiến độ trong mọi thứ. Khi nhịp sống trở nên vội vàng, Giáng sinh cũng dường như đến vội hơn so với trước đây.

Quá bận rộn để chuẩn bị

Mặc dù ít chú ý đến thời gian, người trưởng thành vẫn phải trải qua nhiều lịch trình để chuẩn bị cho Giáng sinh.

Sự huyền bí của lễ hội được thay thế bằng hàng loạt nhiệm vụ như sắm sửa, gói quà và chuẩn bị bữa tối quây quần. Dưới áp lực thời gian và công việc riêng, thời gian đếm ngược đến đêm 24/12 trôi càng nhanh hơn.

“Với không ít cá nhân, Noel chỉ đơn thuần là dịp bận rộn. Mọi niềm vui, sự trông chờ chỉ tồn tại trong ký ức tuổi thơ. Tuy nhiên, họ vẫn luôn nỗ lực để mang lại kỳ lễ hội ý nghĩa với cả gia đình. Đó dường như đã trở thành một phần trách nhiệm của chúng ta”, chuyên viên Ruth Ogden tại đại học Liverpool John Moores cho hay.

Hoàng Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nguoi-truong-thanh-thay-giang-sinh-den-nhanh-hon-post1386050.html