Vì sao người tử vong do bệnh dại năm 2023 lại tăng?
Việt Nam ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại trong năm 2023, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Năm qua, gần 500.000 người phải tiêm vắc-xin phòng dại, chi phí khoảng 600 tỉ đồng
Bộ Y tế cho biết trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022.
Các địa phương ghi nhận số tử vong cao là Gia Lai (14), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), Bến Tre (5).
Người dân chi 600 tỉ đồng tiêm vắc-xin phòng bệnh dại
Đáng chú ý, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), gần 500.000 người phải tiêm vắc-xin phòng dại với giá mỗi liều là 1,2-1,7 triệu đồng, ước tính người dân phải bỏ ra khoảng 600 tỉ đồng. Ngoài ra, nước ta cũng phải tiêm phòng bệnh dại cho 8 triệu con chó, mèo, mỗi mũi khoảng 50.000 đồng.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể. Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt.
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết sai lầm thường gặp nhất ở những ca tử vong do bệnh dại là người bị chó, mèo cắn không theo dõi con vật và bản thân cũng không tiêm phòng hoặc tiêm phòng trễ. 100% bệnh nhân vào viện khi đã lên cơ dại nên không thể cứu được.
"Do nhận thức hạn chế, cộng với tâm lý "tiếc tiền" nên không ít người khi bị chó, mèo dại cắn đã tìm đến thuốc nam với hy vọng chữa khỏi, nhưng trên thực tế nếu không tiêm phòng, hiện chưa có loại thuốc nào có thể cứu sống bệnh nhân khi đã lên cơn dại"- một bác sĩ chia sẻ.
Ngoài ra, có những trường hợp tin rằng chó đã tiêm phòng dại cắn không sao nên chủ quan không tiêm vắc-xin dại. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định chó đã được tiêm phòng vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại và truyền nhiễm bệnh dại sang cho người.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại.
Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vắc-xin nhằm củng cố miễn dịch lâu dài.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó mèo cắn, cào... cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; tiếp tục sát trùng vết thương bằng cồn và nước sát trùng. Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó dại cắn cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tiêm trong vòng 6 giờ được xem là tiêm phòng sớm còn tiêm sau 6 giờ được gọi là tiêm phòng muộn. Đây cũng là khoảng thời gian tối thiểu để tiêm phòng dại.