Ở Huế xưa, cá vàng là điều không thể thiếu vào ngày Tết. Hồi đó, vào những ngày giáp Tết, phía trước Thương Bạc hay Phu Văn Lâu thường xuất hiện những quầy bán cá vàng lưu động.
Nhiều người Huế sẽ mua cá vàng đem về nuôi trong những chiếc bể nuôi cá bằng thủy tinh, trưng bày trong phòng khách để đón Tết.
Theo lý giải của một số nhà nghiên cứu văn hóa, đây là một nét văn hóa ảnh hưởng từ Trung Hoa. Theo đó cá vàng chữ Hán Việt là kim ngư. Kim ngư phát âm theo tiếng Hoa gần giống với cách đọc hai chữ kim ngọc.
Nhiều cá vàng bơi trong chiếc bể, chữ Hán là kim ngư mãn đường, đồng âm với kim ngọc mãn đường, nghĩa là vàng ngọc đầy nhà.
Như vậy, việc trưng cá vàng ngày Tết có ý nghĩa sâu xa là việc làm thể hiện ước vọng có cuộc sống sung túc, viên mãn của các gia đình.
Nhưng không phải gia đình nào chơi cá vàng ngày Tết cũng hiểu rõ hàm ý này. Nhiều người mua cá vể chỉ thuần túy để trưng cho đẹp, vì sắc vàng rực rỡ của cá vàng cũng rất hợp với bầu không khí ngày Tết.
Ngày nay, việc nuôi cá vàng không còn là một tập quán phổ biến ngày Tết. Trên thị trường cũng xuất hiện thêm rất nhiều loài cá cảnh "phong thủy" khác để lựa chọn, và những bể cá vàng đã trở nên hiếm hoi mỗi độ xuân về...
Mời quý độc giả xem video: Đi tìm Tết Việt. Nguồn: VTC14.
T.B (tổng hợp)