Vì sao nhà đầu tư tranh thủ 'mua đáy' cổ phiếu Trung Quốc?
Sự trấn áp của Bắc Kinh đối với các tập đoàn công nghệ lớn khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tận dụng cơ hội này để 'mua đáy'.
Theo Bloomberg, hiếm khi một ngày trôi qua mà không có tin tức mới về cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Tuy nhiên, dòng tiền trên khắp thế giới vẫn chảy vào Trung Quốc. Điều đó minh chứng cho sức hút của các cổ phiếu nước này đối với giới đầu tư toàn cầu.
Theo tính toán của Bloomberg, bất chấp sự hỗn loạn trên thị trường, kể từ tháng 1, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng mua cổ phiếu trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
Nhà đầu tư "mua đáy"
Lượng mua trong tháng 8 tăng gấp đôi so với tháng 7. Bức tranh tương tự cũng diễn ra trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương vào tháng 7, các nhà đầu tư quốc tế đã tăng danh mục trái phiếu chính phủ bằng đồng NDT lên mức kỷ lục.
Việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đã quét sạch hàng tỷ USD khỏi vốn hóa của những gã khổng lồ Internet nước này. Cuộc trấn áp bắt đầu vào tháng 11, sau khi đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ant Group - gã khổng lồ fintech của tỷ phú Alibaba - bị yêu cầu hủy bỏ.
Kể từ đó, các nhà quản lý đã ban hành luật chống độc quyền nhắm vào "nền kinh tế nền tảng". Đó là những công ty Internet quản lý các dịch vụ từ thương mại điện tử đến giao đồ ăn. Các quy định cũng nhằm tăng cường luật an ninh dữ liệu.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba phải chịu khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau một cuộc điều tra chống độc quyền. Hãng gọi xe hàng đầu Trung Quốc Didi bị xóa ứng dụng khỏi các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh, chỉ vài ngày sau khi IPO trên sàn Mỹ.
Khi cuộc trấn áp ngày càng dữ dội, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi đã đến lúc bắt đáy cổ phiếu công nghệ Trung Quốc hay chưa. "Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, suy nghĩ của nhà đầu tư đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc chia làm hai thái cực", ông Tariq Dennison, Giám đốc tài sản của GFM Asset Management (có trụ sở tại Hong Kong), bình luận.
"Một số coi những thay đổi, rủi ro về quy định là lý do không nên đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Một số khác coi đây là cơ hội mua vào những tên tuổi tốt, với thu nhập trong tương lai ít bị ảnh hưởng hơn nhiều mức độ bán tháo năm nay", ông nói thêm.
Cuộc trấn áp của Bắc Kinh nhắm vào các tập đoàn tư nhân lớn được thúc đẩy bởi chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Chúng tôi cho rằng các quy định mới nhằm hợp lý hóa cấu trúc tăng trưởng kinh tế trong tương lai, theo hướng tăng trưởng chất lượng cao và cân bằng hơn", ông Chris Liu - Giám đốc danh mục đầu tư tại Invesco Hong Kong Ltd. - bình luận.
“Trung Quốc chỉ đơn thuần là bắt kịp với thế giới phát triển sau nhiều năm quản lý lỏng lẻo", ông nói thêm.
Cơ hội mới
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư sẽ phải gánh khoản lỗ đáng kể trong năm nay và thậm chí nhiều hơn ở tương lai.
Chỉ số CSI 300 Index đã giảm khoảng 16% so với mức cao vào tháng 2. Sau khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu các công ty dạy thêm chuyển thành phi lợi nhuận, vốn hóa của những doanh nghiệp nước này đã bị quét sạch 1.000 tỷ USD.
Các nhà đầu tư bán tháo khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình kích thích kinh tế. Hàng loạt bài viết trên những phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn để bảo vệ người dùng.
Theo các nhà phân tích của Everbright Securities Co., điều đó cho thấy những rủi ro vẫn còn.
"Làn sóng quy định mới lan rộng và tăng cao kể từ động thái với Ant Group", chuyên gia Brian Bandsma tại Vontobel Quality Growth nhận định.
Đối với Trung Quốc, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm tích cực trong dài hạn. Chúng tôi tin rằng đợt sụt giảm gần đây sẽ mở ra những cơ hội thú vị
- Nhóm chuyên gia tại Amundi SA
"Mỗi khi chúng ta thấy dường như mọi chuyện sắp đến điểm dừng, một điều mới lại xuất hiện", ông nói thêm. "Do đó, tôi cho rằng ở thời điểm này, quá rủi ro khi đặt cược vào việc cơn bão đã qua đi", ông Bandsma nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Everbright Securities Co. cho rằng kỳ vọng đối với tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy CSI 300 hiện giao dịch gần mức thấp nhất so với chỉ số S&P 500 kể từ năm 2007. Điều này có thể thúc đẩy các nhà đầu tư "bắt đáy".
Đối với ông Pascal Blanque - Giám đốc đầu tư Amundi SA, sự rung chuyển ở Trung Quốc đang mở ra những cánh cửa mới. Công ty của ông giám sát khoảng 2.100 tỷ USD trên toàn cầu.
"Đối với Trung Quốc, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm tích cực trong dài hạn. Chúng tôi tin rằng đợt sụt giảm gần đây sẽ mở ra những cơ hội thú vị", ông Blanque và các đồng nghiệp viết trong một ghi chú.
"Các nhà đầu tư có thể tranh thủ đợt bán tháo để tăng phân bổ vốn vào Trung Quốc trong danh mục đầu tư toàn cầu", nhóm chuyên gia viết thêm.