Vì sao Nhật Bản đóng cửa hàng nghìn trường học trong gần 20 năm qua?
Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong bối cảnh dân số suy giảm, từ năm 2002-2020, nước này đã đóng cửa 8.580 trường học, trong đó nhiều ngôi trường được cải tạo để phục vụ các hoạt động cộng đồng.
Những bức tranh về những đứa trẻ đang mỉm cười đang mờ dần trên các bức tường tại Trường Tiểu học Ashigakubo ở thị trấn Yokose, tỉnh Saitama. Đây là một trong hàng nghìn ngôi trường tại Nhật Bản phải đóng cửa trong vòng 20 năm qua vì tình trạng dân số suy giảm nghiêm trọng.
Đóng cửa 8.580 trường học
Theo AFP, ngôi trường Ashigakubo, có tuổi đời hơn một thế kỷ, đã buộc phải đóng cửa vào năm 2009 khi những đứa trẻ cuối cùng rời đi để theo học tại một ngôi trường lớn hơn.
Sân chơi trong trường học bị dỡ bỏ do đã xuống cấp vì không được bảo trì trong khi hồ bơi trở thành chỗ cho vịt "tung tăng bơi lội."
Tuy nhiên, phần cổ nhất của ngôi trường, được xây dựng vào năm 1903, vẫn được bảo tồn và chính quyền địa phương đang nỗ lực "hồi sinh" những căn phòng học chứa đầy hoài niệm, biến chúng trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện cho trẻ em hoặc cho thuê làm phim trường...
Chính phủ Nhật Bản đã dành tiền ngân sách hỗ trợ các địa phương quản lý các trường học cũ, tái sử dụng các tòa nhà để phục vụ cho hoạt động cộng đồng.
Số liệu thống kê cho thấy Nhật Bản là quốc gia có dân số già thứ hai thế giới sau Monaco. Nước này có 14,4 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 11,5% tổng dân số. Con số đã giảm 4 triệu so với thời điểm đầu những năm 2000.
Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong bối cảnh dân số quốc gia ngày càng già hóa, từ năm 2002-2020, nước này đã đóng cửa 8.580 trường học công. Các địa phương phải tìm cách cải tạo các trường học cho các mục đích sử dụng khác, tránh lãng phí và giảm thiểu việc phải dỡ bỏ những cơ sở này.
Trong số khoảng 7.000 trường học tồn tại đến năm 2021, khoảng 74,1% được cải tạo thành các cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích công khác và chỉ có 2,9% dự kiến bị phá dỡ. Tuy nhiên, thực tế chỉ một phần của các trường học cũ được tận dụng cho mục đích cộng đồng.
Nỗ lực tăng tỷ lệ sinh
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản vẫn đang trên đà giảm đều. Năm 2022, tỷ lệ sinh đã xuống tới mức thấp kỷ lục là 1,26 từ mức 1,57 vào năm 1990 bất chấp một loạt biện pháp của chính phủ nhằm đảo ngược tình trạng này.
Hồi đầu năm, tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng cảnh báo nước Nhật Bản đang trên bờ vực "mất chức năng xã hội" do tỷ lệ sinh giảm mạnh, do đó đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu cần giải quyết của Chính phủ nước này.
Ông Kishida khẳng định Chính phủ của ông sẽ tìm cách thực hiện các đối sách "chưa có tiền lệ" để làm tăng tỷ lệ sinh, cam kết tạo ra một nền kinh tế và xã hội ưu tiên trẻ em để đảo ngược tỷ lệ sinh.
Hồi tháng Sáu, Thủ tướng Fumio Kishida công bố một gói biện pháp đa dạng nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang rất thấp ở nước này, khẳng định rằng vấn đề này cần được xử lý giống như việc dân số già hóa đe dọa nền kinh tế đất nước.
Thủ tướng Kishida nhấn mạnh lúc này là cơ hội cuối cùng để đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh giảm, trước khi bước sang thập kỷ 30 của thế kỷ 21.
Ông khẳng định: “Tỷ lệ sinh thấp là vấn đề lớn, gây lo ngại cho xã hội và toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản nên không thể bỏ qua.”
Với các biện pháp như chi nhiều hơn cho các gia đình có con nhỏ và cung cấp nhà ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, ông Kishida hy vọng sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho chăm sóc trẻ em từ nay đến đầu những năm 2030. Hiện khoản chi tiêu này đang là 4.700 tỷ yen (33,7 tỷ USD).
Những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản cũng nỗ lực triển khai các biện pháp và chính sách nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng dân số già hóa nhanh chóng. Tình trạng già hóa dân số gia tăng khiến chính phủ phải tăng chi cho các chương trình phúc lợi xã hội.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính tới ngày 15/9/2023, số người trên 80 tuổi ở Nhật Bản đã tăng thêm 270.000 người so với cùng kỳ năm ngoái lên 12,59 triệu người. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ người trên 80 tuổi ở nước này vượt ngưỡng 10% trong tổng dân số khoảng 124,6 triệu người.
Số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản tiếp tục duy trì mức cao kỷ lục là 36,23 triệu, chiếm 29,1% dân số. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản tiếp tục là nước có tỷ lệ người cao tuổi (trên 65 tuổi) cao nhất thế giới. Trong nhóm tuổi này, có 20,51 triệu người là nữ giới và 15,72 triệu người là nam giới. Sự chênh lệch này cho thấy tuổi thọ trung bình của nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới ở Nhật Bản.
Trong khi đó, số người trên 75 tuổi ở Nhật Bản là 20,05 triệu người, chiếm 16,1% dân số, lần đầu tiên vượt mốc 20 triệu người.
Cũng theo bộ trên, số người cao tuổi vẫn làm việc tại Nhật Bản trong năm 2022 tăng lên 9,12 triệu người. Đây là năm thứ 19 liên tiếp con số này tăng. Số người cao tuổi vẫn làm việc chiếm 13,6% tổng lực lượng lao động của Nhật Bản.
Theo dữ liệu do Bộ Y tế, Lao động và An sinh Xã hội Nhật Bản công bố, số người sống thọ trên 100 tuổi ở Nhật Bản ước tính ở mức kỷ lục 92.139 người, trong đó phụ nữ chiếm 88,5%.
Tính đến ngày 15/9, số người từ 100 tuổi trở lên tại Nhật Bản tăng 1.613 người so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu năm thứ 53 liên tiếp dữ liệu này tăng. Trung bình cứ 100.000 người tại Nhật Bản thì có 73,74 người từ 100 tuổi trở lên.
Tổng số phụ nữ trên 100 tuổi ở Nhật Bản là 81.589 người, tăng 1.428 người so với năm ngoái. Người phụ nữ nhiều tuổi nhất tại Nhật Bản là bà Fusa Tatsumi, 116 tuổi, tại tỉnh Osaka. Số nam giới từ 100 tuổi trở lên tại Nhật Bản là 10.550 người, tăng 185 người so với năm trước. Cụ ông cao tuổi nhất nước này là ông Gisaburo Sonobe, 111 tuổi, tại tỉnh Chiba.
Theo số liệu mới công bố tháng trước, năm 2022, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản là 87,09 tuổi trong khi tuổi thọ trung bình của nam giới là 81,05 tuổi./.