Vì sao nhiều bệnh nhân, người nhà không 'mặn mà' với cơm bệnh viện?
Nhiều người nhà bệnh nhân không chọn mua cơm trong căng tin của bệnh viện vì nhiều lý do như cơm không hợp khẩu vị, thức ăn chưa phong phú, ít sự lựa chọn hay thậm chí không hề biết đến sự tồn tại của căng tin…
Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã khảo sát và quan sát tại BV Bạch Mai- nơi mỗi ngày có hàng nghìn bệnh nhân điều trị nội trú.
Bà N.T.H (quê Nam Định) lên BV Bạch Mai chăm sóc người bệnh đã gần 1 tuần cho hay, gần như 24/24h, bà quanh quẩn trong khuôn viên của BV. Mỗi ngày bà H. ra ngoài cổng BV 3 lần để mua cơm, cháo...
Cách phòng bệnh khoảng 200m - nơi người nhà bà H. nằm điều trị là căng tin của BV, nhưng bà chưa bao giờ mua cơm hay cháo trong căng tin mà chọn cách đi xa hơn, ra phía ngoài cổng sau bệnh viện, đường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.
Bà H cho biết, bản thân đã vào căng tin định mua đồ ăn nhưng thấy thức ăn không phong phú, ít sự lựa chọn, giá lại không linh động nên bà chọn những quán cơm phía ngoài cổng bệnh viện.
"Tôi mua cháo dinh dưỡng ở ngoài bệnh viện chỉ 15.000 đồng/suất, 1 suất cơm giá 30.000 đồng là đủ ăn, mà đồ ăn lại rất phong phú, thích ăn gì là mua được món đó. Muốn mua thêm 5.000 đồng hay 10.000 đồng món gì đó đều được. Không như ở trong bệnh viện chỉ có vài món ăn, giá lại không linh động như ở ngoài. Ở trong bệnh viện suất rẻ nhất là 40.000 đồng, dù có đầy đặn hơn chúng tôi cũng không mua vì tôi chỉ ăn hết suất 30.000 đồng thôi", bà H nói.
Tìm hiểu của phóng viên, trong khuôn viên của BV Bạch Mai có 3 căng tin để phục vụ cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện và bệnh nhân cũng như người nhà đến chăm bệnh. Tuy nhiên, nhiều người nhà bệnh nhân không "mặn mà" với cơm tại bệnh viện.
Ngồi trong khuôn viên của bệnh viện Bạch Mai, một người nhà đến chăm bệnh khác cũng cho hay, bà thường mua ngô để ăn sáng, nhưng lần nào cũng ra phía ngoài cổng bệnh viện để mua vì giá rẻ. 1 bắp ngô to chỉ có giá 10.000 đồng, nhưng trong bệnh viện lại bán tới 15.000 đồng/bắp. "Cố đi xa hơn 1 tí nhưng mua được ngô giá rẻ hơn", người này cho hay.
Người này cũng nói thêm, vì ở trong bệnh viện nhiều nên thời gian đi ăn cơm là lúc được thư giãn. Không gian bệnh viện với không khí căng thẳng, mùi thuốc sát trùng và áp lực chăm sóc bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng, nên bà không muốn ăn cơm trong căng tin của bệnh viện.
Cũng với câu hỏi về việc "tại sao không mua cơm trong căng tin của bệnh viện?", một vài người nhà đi chăm bệnh khác đều có cùng câu trả lời là do đồ ăn trong căng tin không hợp khẩu vị, ít sự lựa chọn, giá cả không linh hoạt, một số khác lại tỏ ra khá ngạc nhiên. Họ cho hay, bản thân chưa mua cơm ở trong bệnh viện bao giờ vì không biết căng tin bệnh viện có bán cơm.
Theo quan sát và trải nghiệm thực tế của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, căng tin phục vụ ăn uống tại BV Bạch Mai khá lớn. Mỗi căng tin đủ sức chứa hàng trăm người. Không gian tại căng tin rất sạch sẽ, bằng mắt thường có thể cảm thấy yên tâm khi ăn uống tại đây.
Tuy nhiên, giá cả cho các suất cơm không được linh động như phía ngoài bệnh viện. Riêng cơm sẽ có 3 mức giá là 40.000 đồng, 50.000 đồng và 70.000 đồng. Mỗi suất cơm có khoảng 8 món ăn để mọi người lựa chọn, bao gồm 1 món rau luộc, còn lại là các món chế biến từ các loại thịt, cá hoặc món ăn kết hợp như cà nấu đậu.
Cháo tại căng tin chỉ có 2 loại bao gồm cháo tim và cháo thịt. Cháo tim có giá 25.000 đồng/suất, cháo thịt giá 15.000 đồng/suất. Nếu muốn mua 20.000 đồng hay 35.000 đồng tiền cháo đều không được, vì cháo bán theo suất, chỉ có thể mua lên 2 suất, 3 suất,…
Còn tại các quán cơm bán phía ngoài cổng bệnh viện thì các món ăn rất đa dạng, nhiều sự lựa chọn. Giá cả tại các quán cơm này cũng rất linh động, khách hàng có thể thoải mái mua thêm 5000 đồng hay 10.000 đồng tiền thức ăn, cơm, cháo,...
Làm gì để cơm tại căng tin bệnh viện hấp dẫn hơn?
Theo khảo sát một số người nhà bệnh nhân cho biết, để họ cảm thấy hài lòng và lựa chọn căng tin của bệnh viện thì ngoài việc sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các món ăn cũng phải phù hợp khẩu vị và đa dạng hơn. Phía nhà cung cấp cần bổ sung nhiều món ăn hấp dẫn, phù hợp với khẩu vị của người Việt ở nhiều vùng miền.
Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng mong BV có thể cải thiện không gian ăn uống để người nhà bệnh nhân cảm thấy thân thiện và thoải mái hơn khi dùng bữa. Giá cả của các suất ăn cũng cần hợp lý và điều chỉnh linh động hơn.
"Nếu căng tin quá sáng bóng hay chỉ có màu trắng của tường nhà và màu của kim loại từ bàn ghế, khay đựng cơm,… khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái, cũng không thấy ngon miệng bằng việc ngồi ăn ở một không gian gần gũi. Đấy cũng là lý do thi thoảng tôi có mua cơm ở căng tin sau đó lại ra ghế đá của bệnh viện chỗ gần mấy cây xanh ngồi ăn, vì ngồi ăn ở đó tôi thấy thoải mái, thoáng đãng…", anh M.T.Q (Hà Nam) cho hay.
Cơm bệnh viện không chỉ là dịch vụ hỗ trợ mà còn góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nếu được đầu tư đúng mức, đây có thể trở thành một yếu tố tích cực giúp giảm bớt áp lực và mệt mỏi cho người nhà bệnh nhân, đồng thời nâng cao uy tín của bệnh viện.
Bài tiếp: BV nói gì về người dân chưa 'mặn mà' với cơm bệnh viện?