Vì sao nhiều công trình giao thông trọng điểm ở Đồng Tháp chậm tiến độ?
Đồng Tháp đang triển khai 6 công trình trọng điểm về giao thông nhưng tiến độ đều chậm so với kế hoạch.
Máy móc, công nhân chờ cát đắp nền
Có mặt trên công trường dự án xây dựng tuyến ĐT857 (QL30 - ĐT845), PV Báo Giao thông ghi nhận mọi thứ đang rất ngổn ngang. Nhiều gói thầu đã được đào đất hữu cơ nhưng do thiếu cát đắp nền trong thời gian dài nên đến nay cỏ đã mọc đầy.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện đơn vị tư vấn, giám sát dự án này cho biết không khí làm việc trên công trường trong thời gian gần đây có phần trầm lắng hơn so với trước.
"Tiến độ dự án đến nay chỉ đạt 48%, chậm hơn so với kế hoạch, chủ yếu là các hạng mục thi công đường của dự án", ông Dũng cho biết thêm.
Trong khi đó, tại tuyến tránh thành phố Cao Lãnh, nhà thầu đang tất bật thi công, mặt đường đã được đổ cát nhưng trong tình trạng "xôi đỗ".
"Công trình đang gặp khó khi cát về chưa đủ. Công nhân có mặt trên công trường vẫn đang trong tình trạng chờ đợi", ông Nguyễn Văn Thái, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành, đơn vị thi công gói thầu số 9 thuộc dự án này cho biết.
Còn tại các dự án khác như tuyến ĐT845 Trường Xuân - Tân Phước; nâng cấp ĐT841 và xây dựng cầu Sở Thượng 2; nâng cấp hệ cầu trên ĐT844 và nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT855, hiện trạng cũng không mấy khả quan khi các nhà thầu chỉ tập trung thi công phần cầu. Phần đường vẫn đang trong tình trạng "máy móc nằm chờ".
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, máy móc, thiết bị và công nhân được huy động đầy đủ trên công trường nhưng tiến độ khó có thể đẩy nhanh, đặc biệt là về phần đường khi cát chưa về tới công trường.
Thiếu khoảng 2,4 triệu m3 cát
Lý giải về những khó khăn trong thực hiện các dự án giao thông vận tải trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp cho biết, phần lớn các dự án này phần cầu đảm bảo tiến độ. Riêng phần đường chậm hơn so với kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân là một số dự án đang gặp khó về cát đắp nền do tỉnh cho ngưng khai thác để thực hiện rà soát, đánh giá lại trữ lượng cát tại các mỏ trên sông.
Với 6 dự án tỉnh đang thực hiện, tổng nhu cầu cát san lấp khoảng 5,4 triệu m3. Số lượng cát đã nhận trong 6 tháng đầu năm 2023 hơn 1,5 triệu m3, khối lượng được phân bổ cho 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 1,4 triệu m3.
Với số lượng cát được cấp và phân bổ, các dự án trên vẫn còn thiếu khoảng 2,4 triệu m3 cho nhu cầu cát trong năm nay. Cát được cấp chưa đáp ứng nhu cầu nên nhiều gói thầu đang gặp khó khăn trong quá trình thi công.
"Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản trình các đơn vị liên quan sớm cấp cát về công trường. Theo báo cáo thì các nhà thầu cũng đang trong trạng thái sẵn sàng, khi có cát sẽ tiến hành làm ngay để bù lại tiến độ bị chậm", ông Bảo nói.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tỉnh Đồng Tháp đã gia hạn 14 giấy phép khai thác cát với trong năm 2023 với tổng trữ lượng 3,6 triệu m3 để phục vụ cho các công trình trọng điểm của tỉnh.